Các bác sĩ Khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus – SLE) là một bệnh tự miễn mạn tính, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm da, khớp, thận, não và các cơ quan nội tạng khác.
Bệnh này gây ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô và cơ quan của cơ thể, dẫn đến viêm và tổn thương mô. Vì vậy, đây là một trong những căn bệnh tự miễn nguy hiểm và phức tạp, gây ra nhiều thách thức trong việc chẩn đoán và điều trị.
Biểu hiện trên nhiều bộ phận cơ thể
Lupus ban đỏ – Căn bệnh tự miễn thầm lặng và nguy hiểm - Ảnh BVCC |
Lupus ban đỏ là một bệnh viêm mạn tính có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như da, khớp, tim, thận, phổi, tế bào máu, não, tâm thần kinh… Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh:
– Da: Đây là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh lupus ban đỏ, với khoảng 75% người bệnh tự phát hiện các vết ban đỏ bất thường trên da. Trong đó, hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus.
Các tổn thương trên da cũng xuất hiện ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay và rất nhạy cảm với ánh nắng. Nếu không được điều trị, các sang thương có thể bị teo ở phần giữa và được gọi là “Hồng ban dạng đĩa”. Một số thương tổn có thể quá sản phì đại.
Ngoài ra, lupus cũng có thể gây ra các bọng nước, dát xuất huyết và lở loét niêm mạc miệng, hầu họng nhưng không đau. Tóc vàng, dễ gãy và rụng nhiều.
– Tim: người bệnh có thể có biểu hiện đau ngực, khó thở giống viêm cơ tim, màng tim. Trong một số trường hợp nặng, bệnh có thể gây suy tim.
– Phổi: Triệu chứng viêm phổi và viêm màng phổi cũng phổ biến và có thể dẫn đến suy hô hấp.
– Khớp: Viêm khớp là biểu hiện rất phổ biến của bệnh lupus ban đỏ, gây khó khăn cho người bệnh trong vận động và đi lại.
– Máu: Hầu hết người bệnh lupus ban đỏ đều có tình trạng thiếu máu từ nhẹ đến nặng, biểu hiện qua da xanh, niêm mạc nhạt, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức. Xét nghiệm huyết đồ thấy có thể giảm cả ba dòng tế bào máu: Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
– Thận: Viêm thận do lupus là một chẩn đoán thường gặp trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Người bệnh đến khám có thể do tiểu đục, tiểu máu, phù toàn thân, tăng huyết áp. Xét nghiệm nước tiểu thấy bất thường và đôi khi có thể cần xác chẩn bằng sinh thiết thận.
– Tâm thần kinh: Một số người bệnh có biểu hiện rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ. Đôi khi có đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân. Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao và kéo dài.
– Ngoài ra, thực tế trên lâm sàng, phần lớn người bệnh đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.
Các triệu chứng của lupus thường xuất hiện thành những đợt cấp tính, xen kẽ với giai đoạn lui bệnh. Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, dẫn đến việc chẩn đoán bệnh có thể bị trì hoãn vài năm sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus ban đỏ |
Tăng nguy cơ tử vong cần phát hiện, điều trị sớm
Lupus ban đỏ là một căn bệnh nguy hiểm. Những biến chứng nghiêm trọng do lupus ban đỏ trên tim, thận, phổi, hệ thần kinh,… có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát căn bệnh này. Người bệnh cần chú ý những biến chứng thường gặp của bệnh bao gồm:
– Thận: Lupus ban đỏ gây tổn thương nghiêm trọng các mô trong thận, dẫn tới suy thận – một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người bệnh lupus. Các triệu chứng tổn thương ở thận bao gồm: Ngứa da toàn thân, buồn nôn và nôn, đau ngực, phù chân,…;
– Máu và mạch máu: Người bệnh lupus ban đỏ có thể bị thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu, đông máu, tắc mạch máu và viêm thành mạch;
– Não và hệ thần kinh trung ương: Bệnh lupus ban đỏ gây đau đầu, chóng mặt, ảo giác, thay đổi hành vi hoặc thậm chí là đột quỵ, động kinh. Nhiều người bệnh mắc lupus ban đỏ hệ thống gặp vấn đề về trí nhớ và khó diễn đạt được suy nghĩ của mình;
– Tim: Bệnh có thể gây xơ hóa màng ngoài tim, tổn thương van hai lá và ba lá, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dẫn đến các cơn đau tim;
– Phổi: Lupus ban đỏ làm tăng nguy cơ viêm phổi, viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, thuyên tắc phổi và xuất huyết phổi, gây đau khi thở;
– Biến chứng khi mang thai: Bệnh lupus làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và sinh non cho phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai mắc lupus nếu dùng corticosteroids có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, đái tháo đường và biến chứng thận. Trẻ sinh ra từ mẹ mắc lupus có thể có triệu chứng lupus ban đỏ như ban đỏ dạng đĩa, rối loạn nhịp tim hoặc gan lách to;
– Biến chứng khác: Làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vì việc điều trị lupus ban đỏ làm suy giảm hệ thống miễn dịch; tăng nguy cơ ung thư, hoại tử vô mạch của xương (đặc biệt là khớp háng).
Lupus ban đỏ hệ thống là một căn bệnh phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Việc nhận biết và chẩn đoán sớm lupus ban đỏ là vô cùng quan trọng để bắt đầu điều trị kịp thời, nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, việc duy trì một lối sống lành mạnh, bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, giảm căng thẳng, và tuân thủ đúng liệu trình điều trị có thể giúp người bệnh lupus có cuộc sống tốt hơn. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh lupus ban đỏ vượt qua những khó khăn mà căn bệnh mang lại.