Dữ liệu y khoa

Cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên gan, thủng tim

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện 19-8 đã cứu sống bệnh nhân bị bạn cùng phòng đâm thấu bụng xuyên gan qua cơ hoành thủng tim sát động mạch.

BS Nguyễn Mạnh Trường, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết, ngày 18/3/2019 phòng khám tiếp nhận bệnh nhân Trịnh Thanh Thủy sinh năm 2001 quê Ninh Bình được chủ phòng trọ tại Mỹ Đình đưa vào viện trong tình trạng rất nguy kịch.

Do mâu thuẫn, bệnh nhân bị bạn ở cùng phòng đâm vào gối phải và vùng hạ sườn phải. Các bác sĩ khoa A9 kịp thời cấp cứu bệnh nhân, phát hiện thương tổn rất nguy kịch, cùng với dấu hiệu sinh tồn biến động, thiếu máu nhiều, tim không nghe rõ. Quy trình báo động đỏ nội viện được triển khai, bệnh nhân được đưa thẳng lên phòng mổ thực hiện 2 kíp mổ đồng thời chấn thương và bụng ngực.

​ Kíp mổ chấn thương xử trí vết thương gối phải, kíp mổ bụng ngực vào mở bụng và ngực phát hiện thương tổn thấu bụng, xuyên thấu gan thủng cơ hoành thấu mặt sau tim. Lượng máu nhiều trong ổ bụng và khoang màng phổi. Các bác sĩ khoa hồi sức vừa hồi sức vừa truyền máu. 2 kíp phẫu thuật đồng thời xử lý các thương tổn thật khẩn trương, khâu cầm máu vết thương gối phải, khâu vết thương thấu gan và cơ hoành, kiểm tra toàn ổ bụng .

​  Thương tổn tim ở vị trí mặt sau tim gần sát vách liên thất sau, sát mạch vành nhánh tim giữa. Việc ​xử trí các vết thương rất khó khăn và tinh tế, nhất là vết mặt sau thất trái sát động mạch vành chính nuôi tim. Sau gần 3h bệnh nhân được phẫu thuật xong và điều trị hậu phẫu. Ngày 24/3 bệnh nhân đã ổn định và rút dẫn lưu. Tính mạng bệnh nhân đã được qua giai đoạn nguy hiểm và sức khỏe tạm thời hồi phục, ăn uống được và vận động trở lại.

Theo BS Nguyễn Mạnh Trường,​ vết thương tim là một thể thương tổn rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng dưới 5%). Được coi là một tối cấp cứu trong ngoại khoa, vết thương tim cần được ưu tiên số một trong chẩn đoán, vận chuyển và xử lý.

Sinh lý bệnh của vết thương tim khá phức tạp, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sau: Lượng máu chảy từ vết thương: Có thể rất ít và từ từ nếu chỉ bị thương ở màng tim hoặc cơ tim đơn thuần; Kích thước vết thương xuyên thủng buồng tim: khoảng 50% có kích thước ≤ 1cm ở các bệnh nhân được phẫu thuật; Buồng tim bị thương: tâm thất trái có nguy cơ chảy máu nhiều hơn các buồng tim khác do áp lực tâm thu lớn; Thời gian đến bệnh viện sau khi bị thương, tổn thương phối hợp …

 Với trang thiết bị hiện đại cùng sự khẩn trương kinh nghiệm chuyên môn tốt và sự cẩn trọng của các y, bác sĩ, Bệnh viện 19-8 trong vòng 1 tháng đã cứu sống thành công 2 ca vết thương tim mang lại sự sống kỳ diệu cho bệnh nhân.

Phạm Hằng