Cựu chủ tịch Điện máy Trần Anh chia sẻ với VnEconomy chiều 6/1/2018, một ngày trước khi ông chia tay văn phòng sau hơn 10 năm gắn bó…
Sau khi thương vụ “bán mình” cho Thế Giới Di Động hoàn tất, ông Trần Xuân Kiên, giờ là cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh, đã mở lòng chia sẻ về lý do bán Điện máy Trần Anh, về việc lựa chọn đối tác và về nhìn nhận tương lai của ngành điện máy Việt.
Trong câu chuyện với VnEconomy chiều 6/1/2018, một ngày trước khi ông rời văn phòng với hơn 10 năm gắn bó, ông Kiên nói:
– Cảm xúc lúc này với tôi là bình thường vì mình đã có 4 tháng để chuẩn bị và bây giờ chỉ là công việc để hoàn tất, kết thúc thôi, nó không có nhiều cảm xúc lắm. Còn cảm xúc theo kiểu lớn nhất thì đó là thời điểm ra quyết định và ký kết hợp đồng bán công ty cho Thế Giới Di Động.
Tôi vẫn nói vui bố mẹ có con cái gả đi lấy chồng thì cảm giác nó na ná như thế mặc dù mình cũng chưa có con đi lấy chồng.
Tôi cũng mất vài tháng suy nghĩ rồi mới đi đến quyết định bán. Sau khi quyết định, tôi có qua trao đổi với đối tác lớn là Nojima (Nhật Bản) và hai bên đã thảo luận một thời gian. Họ biết các cổ đông sáng lập nắm quyền chi phối nên Nojima cũng đồng thuận với quyết định của mình.
Vì sao bán?
Có tới 15 năm xây dựng, phát triển và gắn bó, vậy đâu là lý do ông quyết định bán Trần Anh khi mà công ty cũng đang là một trong những hệ thống bán lẻ điện máy và có thương hiệu lớn hàng đầu miền Bắc?
Lý do chính là tôi nhìn thấy thị trường này không còn nhiều tương lai. Tôi đi một số nước, ở các thị trường phát triển và những nước quanh khu vực, thông tin mà mình nhận thấy và nhìn thấy, thì mức độ tiêu thụ đồ điện máy ở một số nước bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa.
Và thứ hai là xu thế thương mại điện tử phát triển rất mạnh.
Ở rất nhiều nước, bình quân một năm có tới cả trăm siêu thị điện máy đóng cửa. Như Trung Quốc lên tới vài trăm siêu thị. Trong khoảng 5 năm vừa rồi, các siêu thị điện máy kiểu cửa hàng offline đóng cửa rất nhiều.
Ở Nhật Bản, hệ thống siêu thị điện máy lớn nhất trong năm 2016 cũng đóng khoảng 100 siêu thị. Còn Trung Quốc, hai nhà bán lẻ hàng đầu là Gome và Shining mỗi bên cũng đóng cửa mấy trăm siêu thị. Best Buy của Mỹ cũng đóng rất nhiều.
Tôi nhìn thấy xu thế thương mại điện tử sẽ bùng lên và như vậy việc kinh doanh offline sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, cộng với nhu cầu của người dân bắt đầu đến ngưỡng tăng trưởng chậm lại. Điều đó cho thấy thị trường đã đến ngưỡng bão hòa.
Như thị trường Nhật Bản, ngành này có những năm còn tăng trưởng âm. Một số nước trong khu vực như Singapore, sản lượng điện máy năm vừa rồi cũng sụt giảm mấy chục phần trăm.
Đối với thị trường Việt Nam, ở thời điểm này có thể mới bắt đầu đi ngang và một hai năm tới thì có thể đi ngang nhiều hơn. Đồng thời, ảnh hưởng của các công ty thương mại hàng đầu trên thế giới vào Việt Nam chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới các cửa hàng truyền thống.
Và đó là những lý do tôi rút khỏi thị trường.
Nếu khó khăn đến từ xu hướng thương mại điện tử thì sao Trần Anh không đầu tư đẩy mạnh phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử song song với cửa hàng truyền thống, giống như của Thế Giới Di Động?
Cái đấy khó, rất khó.
Vì là hai mảng kinh doanh khá khác nhau, giống như Walmart bị cạnh tranh bởi Amazon. Họ cũng mua công ty thương mại điện tử để tập trung nhưng thực sự chưa đối chọi lại được với Amazon.
Hay như Gome và Shining ở Trung Quốc cũng là những hệ thống rất mạnh nhưng cũng không cạnh tranh được với Alibaba, rồi JD.com, những trang thương mại điện tử này làm cho tình hình kinh doanh offline ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
4-5 năm trước, trong một lần trò chuyện với VnEconomy, ông nói thị trường điện máy đang cạnh tranh rất khốc liệt (tại thị trường Hà Nội) và mình cứ nỗ lực theo chiến lược đặt ra, đến lúc không cố gắng được nữa, khó khăn quá, thì có thể bán đi. Phải chăng kết quả vừa qua đã được ông nhìn nhận hay hình dung ra từ 4-5 năm về trước?
Có thể lúc đấy tôi nói vui thôi chứ thị trường khi đó vẫn sơ khai mà. Lúc đối tác Nojima đầu tư vào Trần Anh mới có 4 siêu thị. Bao nhiêu tỉnh thành đã ai mở đâu, mỗi lần khai trương cứ đông nườm nượp hàng nghìn người.
Tất nhiên tôi cũng nhìn thấy từ 5 năm trước là sẽ có người chơi dẫn đầu thị trường, và cũng nghĩ mình có thể là người dẫn đầu hoặc một ai đó. Còn chuyện bán công ty thì chưa nghĩ tới, bởi thị trường đang sơ khai, cứ mở ra là thắng.
Không phải bán vì ai trả giá cao
Sao ông không chọn một nhà đầu tư nước ngoài, hay gần hơn là đối tác Nojima, mà lại chọn công ty trong nước, là Thế Giới Di Động, để bán?
Chúng tôi có những thảo luận nội bộ, thì trong số những nhà đầu tư quan tâm chúng tôi vẫn luôn có sự ưu ái hơn cho nhà đầu tư Việt Nam. Trong sâu thẳm suy nghĩ mình luôn có ưu ái cho nhà đầu tư Việt hơn. Nói thật nếu nhà đầu tư Việt Nam trả giá rẻ hơn thì cũng bán. Ở đây không phải câu chuyện cứ ai trả giá cao thì sẽ bán.
Thị trường Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực đã bị rơi vào tay các công ty nước ngoài. Mình cũng suy nghĩ điều đấy không có lợi chung cho đất nước nên ưu tiên cho đối tác Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ thẳng điều này cho đối tác Thế Giới Di Động.
Thứ hai, đàm phán, làm việc với doanh nghiệp Việt cũng nhanh hơn. Quy trình, thủ tục và quyết định nhanh hơn. Tôi và anh Tài (ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động) chỉ mất hai buổi gặp nhau là đi đến ký kết hợp đồng.
Mua bán nhiều khi nó cũng là cái duyên nữa.
Vậy bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì giá trị của Trần Anh có cao hơn không?
Con số cao hơn cũng tương đối. Còn bao nhiêu % thì tôi không chia sẻ.
Nhưng ông nhìn thấy tương lai của Trần Anh như thế nào sau khi về với Thế Giới Di Động?
Đưa ra một dự đoán là rất khó vì nếu mình là người quyết định thì dự đoán nó sẽ khác, còn mình không phải là người quyết định thì dự đoán chỉ là đoán mò.
Người mua họ sẽ lựa chọn điều gì tốt nhất cho họ hoặc cho Trần Anh, và tôi tin đó là quyết định đúng.
Cuộc chơi đã an bài
Như ở trên ông có nói, thị trường đã đến ngưỡng bão hòa nhưng đó là ở một số thị trường trên thế giới và khu vực, chứ ở Việt Nam, mới 4 năm trước vẫn còn là “mảnh đất sơ khai” lẽ nào giờ đã bị “khai phá” hết?
Trong ba năm vừa rồi, tổng số lượng siêu thị điện máy mở thêm ở Việt Nam khoảng trên 800 cái, trong khi tại thời điểm ba năm trước, tổng mô hình siêu thị cả nước chỉ có khoảng 50 siêu thị.
Năm 2013, Trần Anh mới có 4 siêu thị, và 2014 mới bắt đầu mở. Tôi nhớ không nhầm, bên Media Mart đâu đó có khoảng 4-5 cái, Pico có 2-3 cái, HC có 3-4 cái, cộng cả miền Bắc mấy doanh nghiệp là khoảng 20 cái. Trong Nam có Nguyễn Kim có khoảng 10 cái, rồi Điện máy Chợ Lớn…
Ngoài ra còn có Điện Máy Xanh khi đó mới mở thăm dò. Tóm lại, tính cả các điểm siêu thị của Điện Máy Xanh, thì cả nước mới có khoảng dưới 100 điểm bán, nhưng đến giờ số siêu thị đã khoảng 1.000 cái, riêng Điện Máy Xanh khoảng 670 cái.
Như vậy, chỉ trong 3-4 năm, tổng số thị siêu thị điện máy đã tăng gấp 10 lần. Mật độ quá dầy, dư địa mở đã không còn hoặc cực kỳ ít. Đi tuyến tỉnh, thậm chí cả tuyến huyện, thấy mật độ của siêu thị điện máy dầy quá. Nhìn bản đồ vị trí của Điện Máy Xanh có những huyện mở mấy cái, trong khi những năm trước không có.
Do mật độ mở dầy như vậy nên doanh thu trên điểm của các siêu thị cũng bắt đầu bị giảm.
Nói như vậy thì khó khăn và rủi ro cũng đang đến với những doanh nghiệp điện máy khác đấy chứ, chưa kể nhiều hệ thống còn nhỏ hơn Trần Anh?
Tôi nghĩ tất cả đều nhận ra.
Nếu ba năm trước, người nắm thị phần lớn nhất về điện máy ở Việt Nam, nghĩa là số 1, là 8%, người số 2 khoảng 3%, còn lại nắm 1-2%, nên cơ hội cho mọi người là rất nhiều. Nhưng thời điểm bây giờ, người số 1 đã nắm 35% rồi, người số 2 khoảng 15%. Các đây 3-4 năm, top 3 thì chiếm khoảng 12% tổng miếng bánh thị trường. Giờ thì top 2 đã chiếm 50% và top 3 thì phải nắm cỡ khoảng gần 60% tổng thị trường.
Như vậy, cơ hội của những người còn lại sẽ khó hơn. Đó cũng được xem là lý do thứ ba. Vì cuộc chơi đã an bài rồi.
Nhưng ông gắn bó với nó 15 năm rồi, giờ bỏ khó lắm chứ…
Không sao. Mình vẫn kinh doanh mà. Trừ phi là nghỉ hoặc chuyển sang làm nghề khác. Nếu vẫn kinh doanh, mình đổi sang một sản phẩm khác, ngành khác nhiều khi nó gây cho mình rất hứng thú.
Khi thị trường điện máy thực sự khó khăn thì mình cũng nhìn thấy ở thị trường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội, nhiều mảng khác sơ khai hơn, nó giống thị trường điện máy cách đây năm bảy năm và chưa có người dẫn dắt thị trường, tại sao mình không chọn cách dừng lại.
Nhưng biết đâu mình cứ cố gắng, nỗ lực, thì sẽ vào top 3 và cao hơn nữa thì sao?
Vấn đề là cùng một công sức bỏ ra có thể nên lựa chọn làm thứ khác, vì trong thị trường top 3 nhìn thấy đều là những công ty trị giá hàng tỷ USD, liệu mình có khả năng và cái giá phải trả để ở trong top 3 là như thế nào?
Cuộc chơi mang tính chất dài hạn. Nếu nỗ lực để vào top đó cũng có thể được nhưng lúc đấy mình nghĩ đến chuyện liệu có thị trường khác mà dành nỗ lực như vậy nhưng không phải là top ba nữa mà có thể là số 1, hoặc đâu đó số 2 một cách nhanh chóng hơn, thị trường bớt cạnh tranh hơn, thì mình lựa chọn con đường đấy.
Top 2 mới “có ăn”
Với thực tế của ngành điện máy Việt Nam hiện nay, ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng phát triển của ngành này?
Tôi nghĩ thị trường điện máy gần và giống với thị trường điện thoại di động. Khoảng 3 năm tới top 3 sẽ nắm giữ cỡ khoảng 70% thị phần, những người còn lại sẽ chia phần còn lại. Như thị trường điện thoại, bây giờ gọi là “có ăn” thì chỉ có top 2, còn lại người khác cũng rất khó khăn hoặc phải chuyển nghề. Điện máy có thể không nằm ngoài quy luật đấy.
Thế còn xu hướng mua bán sáp nhập của ngành điện máy thì sao?
Chủ quan tôi nghĩ xu thế mua bán sáp nhập chắc 2018 sẽ bùng lên. Thương vụ giữa Trần Anh và Thế Giới Di Động có thể ví như “phát súng” đầu tiên, nên mọi người sẽ quen hơn, vì lĩnh vực này chưa xảy ra như vậy. Đấy là xu thế không tránh khỏi, các nước khác cũng thế.
Ở các nước khác thông thường thị trường như thế này thì chuyện mua bán sáp nhập sẽ dồn dập, vì cứ thị trường có top 3 chiếm trên 50% là quá trình mua bán sáp nhập đã diễn ra rất mạnh rồi.
Nhưng liệu trong xu hướng mua bán này, ngành điện máy có nguy cơ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài không?
Không thể nào đoán được. Không ai nói trước là nó sẽ như thế nào.
Vậy còn cuộc chiến cạnh tranh về giá, biên lợi nhuận thấp – những thứ vốn được xem là “điểm tối” của ngành điện máy, liệu có tiếp tục là mối lo ngại trong tương lai không?
Mức độ cạnh tranh về giá ở thị trường điện máy mấy năm nay đã đỡ rất nhiều rồi, không còn như những năm trước vì các công ty cũng tập trung vào thế mạnh riêng của mình. Câu chuyện cạnh tranh về giá không còn quá khốc liệt quá mạnh mẽ như cách đây 5-7 năm.
Từ năm 2014, khi các bên mở đi các tỉnh thì mọi người thấy thị trường vẫn sơ khai nên không còn chú tâm về giá ở địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, do mật độ siêu thị quá dầy nên người mua cũng dải ra trong năm, không phải dồn về tết, đồ điện máy giá bình quân giảm xuống. Đối với các gia đình nó trở thành đồ phổ thông mua sắm thường xuyên.
Còn về tỷ suất lợi nhuận thì tăng lên đấy chứ. Ví dụ năm 2013, tỷ suất lợi nhuận gộp của Trần Anh chỉ 8% -9%, đến 2016 lên hơn 12% và mấy tháng đầu năm 2017 lên khoảng 14%. Hay như Điện Máy Xanh, cách đây 3 năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của họ là 11-12% nhưng giờ nên tới 17%.
Còn nhà nào nói không tăng, giảm đi là do cách “ông” quản trị thôi, hàng về mà luôn chuyển hàng tồn kho không tốt thì đương nhiên làm sao có lợi nhuận.
Nói chung sau 2013 đến năm vừa rồi, biên lợi nhuận của ngành điện máy tăng nhiều, trung bình khoảng 5-6%. Tất nhiên, còn về doanh thu trên điểm bản, như tôi nói thì giảm đi, vì mật độ mở dày đặc.
Theo Mạnh Chung
VnEconomy