Ngã 8 bậc cầu thang không biết gãy cột sống cổ
Bệnh nhân N.T.H. (70 tuổi, Hà Nội) có tiền sử cao huyết áp kèm theo tiền đình nên hay chóng mặt. Sáng hôm ấy, đi từ tầng 2 xuống, bà bị chóng mặt và ngã xuống khoảng 8 bậc cầu thang. Sau ngã bà thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau và hạn chế quay cổ. Đi khám, chụp cắt lớp sọ não, X-quang phổi không phát hiện tổn thương. Bà được cho về nhà theo dõi.
Mấy ngày ở nhà bà vẫn chóng mặt nhiều và hạn chế vận động, đau cột sống cổ tăng dần, không thể quay hay vận động cột sống cổ, gần như chỉ nằm một chỗ. Ngày thứ 5 sau ngã, do thấy tình trạng ngày càng nặng thêm, bà được đưa lại vào Bệnh viện E khám. Kết quả chụp X-quang cột sống cổ phát hiện bà bị gãy trật đốt sống cổ C4-C5, trật độ III, tuy nhiên rất may bà mới chỉ hạn chế vận động chứ chưa bị liệt, nguyên nhân do vị trí gãy xương cài nhau nên chưa gây chèn ép đụng dập tủy cổ.
Cột sống được nẹp vít cố định. |
ThS.BS Phạm Văn Bính, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, chấn thương cột sống cổ là một dạng chấn thương hay gặp do tai nạn ngã cao, tai nạn giao thông, tai nạn thể thao và đặc biệt hay gặp trong tai nạn ô tô do cơ chế co kéo. Thường nếu chấn thương cổ nặng thì bệnh nhân tử vong ngay sau tai nạn hoặc có tình trạng liệt một phần hay hoàn toàn tùy vị trí và mức độ tổn thương. Nghiên cứu cho thấy, 45 - 60% bệnh nhân bị thương tổn thần kinh và 17% bị tử vong. Chỉ có một số ít bệnh nhân may mắn chưa bị liệt sau chấn thương do vị trí gãy trật còn cài vào nhau và chưa gây chèn ép tủy.
Các bác sĩ đã phẫu thuật nắn chỉnh vị trí gãy trật, cố định vững lại cột cổ cho bệnh nhân bằng nẹp vít. Cuộc phẫu thuật kéo dài 1h, sau mổ 2h bệnh nhân được thoát mê và cho về khoa điều trị và sang ngày thứ 4 bệnh nhân được xuất viện về về nhà với các chức năng hoàn toàn bình thường không bị thiếu hụt thần kinh (không có dấu hiệu liệt hay dị cảm thần kinh). Đây là một kết quả rất tốt ở một bệnh nhân nặng, mổ muộn, nhiều bệnh mạn tính, bởi bình thường sau phẫu thuật nắn chỉnh cột sống bệnh nhân thường phải nằm viện 2 – 3 tuần.
Quan trọng là sơ cứu ban đầu và vận chuyển đúng cách
ThS.BS Phạm Văn Bính cảnh báo, chấn thương cột sống là bệnh thường gặp, đặc biệt là ở nam giới lứa tuổi trẻ từ 15 – 30. Các dấu hiệu lâm sàng của chấn thương cột sống khá nghèo nàn. Do đó, nhiều bệnh nhân có thương tủy nặng thường chết trước khi đến viện vì suy hô hấp. Những bệnh nhân đến được viện thường không có thương tổn thần kinh hoặc thương tổn không hoàn toàn. Không ít bệnh nhân bị bỏ sót thương tổn và chỉ được phát hiện khi có thương tổn thần kinh thứ phát.
Vì vậy, khi gặp bệnh nhân đa chấn thương phải luôn nghĩ tới chấn thương cột sống cổ, nhất là ở những bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não. Người bệnh thường bị: Đau cổ, đau lan lên đầu; Cứng cổ, động tác xoay bị hạn chế; Một số có cảm giác nuốt vướng nếu trật nhiều. Tê bì hoặc dị cảm ở một hay 2 chi trên, chi dưới. Trường hợp gãy có ảnh hưởng tới tủy sẽ bị liệt chi trên hoặc chi dưới và liệt cơ thắt (bí đại tiện, tiểu tiện). Ngoài ra, tùy vào vị trí và mức độ tổn thương tủy, có thương tổn phối hợp hay không mà có thể xuất hiện rối loạn tri giác, rối loạn hô hấp, rối loạn tim mạch, nói khó, nuốt khó...
Theo ThS.BS Phạm Văn Bính, người dân khi bị các chấn thương có dấu hiệu đau cột sống cổ cần được sơ cứu đúng cách và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển sang bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh - cột sống để được điều trị đúng chuyên khoa. Nguyên tắc hàng đầu của cấp cứu bệnh nhân chấn thương cột sống là bất động, tránh di lệch đoạn cột sống đã bị tổn thương vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống.
Việc chú ý cố định cột sống phải được làm ngay từ đầu khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ bị chấn thương cột sống chứ không nhất thiết phải tìm xem có tổn thương cột sống hay không vì việc này sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, gây tổn thương thứ phát làm mất cửa sổ can thiệp. Với cột sống cổ, hãy đặt đầu bệnh nhân nằm thẳng trục, ở tư thế trung gian (không cúi gập, ngửa hay xoay cổ) trên nền cứng (như miếng ván gỗ), chèn bao cát hai bên để chống xoay cổ hoặc tốt nhất là có bộ cố định cột sống cổ chuyên dụng và chuyển bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất.