KINH TẾ

Cuối năm 2020, dệt may Việt Nam có thể khó khăn hơn

  • Tác giả : Hoàng Minh
(khoahocdoisong.vn) - Ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động bởi đại dịch Covid-19. Dự báo, doanh thu của dệt may Việt Nam sẽ giảm 10% so với năm 2019. Cơ hội tăng trưởng có thể đến vào năm 2021.

Nửa đầu năm 2020 là thời gian khó khăn đối với các công ty dệt may. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khiến một loạt đơn hàng từ Mỹ và EU bị hủy. Dự báo, tình hình kinh doanh, xuất khẩu của ngành dệt may trong cuối năm 2020 vẫn còn nhiều ảm đạm.

Thông thường, hầu hết các đơn hàng được nhận trước từ 3 - 6 tháng. Do đó, lượng đơn đặt hàng từ cuối năm 2019 sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất trong quý 1/2020. Đến tháng 4 - 5, ngành dệt may mới thực sự “ngấm đòn” Covid-19. Từ tháng 6 trở đi, lượng đơn đặt hàng giảm mạnh, tháng nào nhận đơn tháng đó.

Theo khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất dệt may Quốc tế (ITMF) đối với trên 600 nhà sản xuất tại thời điểm tháng 6/2020, số lượng đơn đặt hàng đã giảm 42% so với cùng kỳ. Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2020 sẽ giảm 32% so với năm 2019.

Tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may theo thị trường (Nguồn SSI Research).

Tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may theo thị trường (Nguồn SSI Research).

Trung tâm phân tích của SSI cho rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng ít nhất tới hết tháng 10/2020. Doanh thu thuần của các công ty dệt may niêm yết trong năm nay ước đạt khoảng 90% mức doanh thu năm 2019.

Dự báo, doanh thu thuần của các công ty dệt may trong năm 2021 có thể tăng nhẹ từ 2 - 3%. Mức tăng trưởng thấp một con số là do sự thiếu hụt các đơn hàng, đặc biệt là đơn đặt hàng đối với các sản phẩm phòng chống dịch Covid-19. Lợi nhuận sau thuế của các công ty này trong năm 2021 có thể tăng mạnh do giảm được chi phí dự phòng rủi ro.

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng trong khủng hoảng, sức mua kém khiến doanh thu mặt hàng may mặc sụt giảm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của kênh bán hàng trực tuyến trở thành động lực chính cho tăng trưởng chung của ngành sau đại dịch.

Mặc dù các nhà sản xuất trong nước hầu như không có khả năng trực tiếp bán hàng trực tuyến tại các thị trường xuất khẩu, song họ có thể nỗ lực giành thêm đơn hàng từ các thương hiệu được hưởng lợi từ xu hướng mới hậu Covid-19.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực mở ra cho ngành dệt may nhiều cơ hội có thể bứt phá trong những tháng cuối năm 2020. Mặt khác, thách thức vẫn còn nhiều. Hạ tầng của ngành dệt may Việt Nam còn nhỏ bé, nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt rất lớn, phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc).

Hoàng Minh