Điểm nóng

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine làm lộ ra những lỗ hổng chính trị ở châu Á

  • Tác giả : Phúc Sơn
Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã khiến mối quan hệ nồng ấm trước đây của Nga với các cường quốc châu Á bị nghi ngờ, và làm lộ ra những lỗ hổng chính trị tại khu vực Châu Á.

Hai cường quốc lớn của Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đều bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng, với yêu cầu Moscow ngừng ngay cuộc tấn công vào Ukraine.

Sự việc đã cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của Nga tại khu vực châu Á, nơi việc mua bán vũ khí và thương mại không ràng buộc đã cho phép Moscow khai thác các đường đứt gãy trong khu vực, trong mối quan hệ yếu hơn với phương Tây.

nga-trung-quoc-an-do-lanh-dao-ben-le-g20-epa.jpg
Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi, và Chủ tịch Trung Quốc Tập bên lề thượng đỉnh G20.( Ảnh: EPA)

Giới phân tích cho rằng hai cường quốc lớn của châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đang bị thúc đẩy nhiều hơn bởi lợi ích của họ.

Trung Quốc và Nga

Chỉ vài tuần trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự, Khi quân đội Nga tập trung đông đảo tại biên giới với Ukraine, ông Tập và ông Putin dường như đã xích lại gần nhau nhất có thể.

Trong một tuyên bố khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc đã nhắc đến mối quan hệ của Nga và Trung Quốc là "không có giới hạn".

Năm ngoái, hai nước đã đạt kỷ lục 146 tỷ USD thương mại song phương và tiếp tục truyền thống huấn luyện chung với một cuộc tập trận kết hợp quy mô lớn .

Cả hai có chung đường biên giới dài 4.000 km và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga (Nga thậm chí còn không lọt vào top 5 của Trung Quốc).

Nhưng chìa khóa thực sự đằng sau mối quan hệ này có thể là những căng thẳng lẫn nhau giữa họ với Washington.

Mối quan hệ “không giới hạn” đang được thử thách

Hiện tại, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biết bao nhiêu về các kế hoạch của Tổng thống Nga Putin.
Một báo cáo tình báo phương Tây cho biết, đầu tháng 2, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức cấp cao của Nga đợi cho đến khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc, rồi mới tính tới việc tấn công Ukraine.

Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc tấn công của Nga, và nói rằng họ hiểu "những lo ngại về an ninh chính đáng" của Moscow.
Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt đối với Nga về vấn đề này.

Nhưng Bắc Kinh cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Ukraine, khi Ukraine được ví như chiếc “cầu nối đến châu Âu” của Trung Quốc, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng phát biểu vào năm 2021.
Hơn nữa các chuyến tàu chở hàng đến châu Âu của Trung Quốc chạy qua Ukraine, và quốc gia này là nguồn cung cấp các sản phẩm chính như ngô và lúa mạch cho Trung Quốc.

220306233909-wuhan-train-ukraine-07062020-restricted-exlarge-169.jpg
Một đoàn tàu container từ Vũ Hán, Trung Quốc đi vào ga đường sắt ở Kiev, Ukraine vào tháng 7/2020 . (Ảnh CNN)

Ukraine cũng coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình và tham gia rất tích cực vào sáng kiến vành đai và con đường do ông Tập tạo lập từ năm 2017.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine vào tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc "vô cùng đau buồn" về cuộc xung đột.

Trong khi Trung Quốc có thể hưởng lợi kinh tế từ Nga, thì Bắc Kinh cũng sẽ lo lắng các doanh nghiệp của họ có thể vướng vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, một ngân hàng phát triển được Bắc Kinh hậu thuẫn, cho biết họ sẽ đình chỉ tất cả các hoạt động của mình ở Nga khi "cuộc chiến ở Ukraine bùng phát".

Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn trong mối quan hệ với phương Tây.

Việc Nga tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine đã khiến các đồng minh phương Tây xích lại gần nhau và đạt được thống nhất hơn bất kì vấn đề nào khác trong những năm gần đây. Do thế, im lặng từ phía Bắc Kinh có thể sẽ là vấn đề đáng chú ý.

Một số nhà phân tích đã chỉ ra sự tương đồng giữa các hành động của Nga đối với Ukraine và nỗi sợ hãi về tương lai của Đài Loan.

Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, cho biết: “Ukraine là một lời cảnh tỉnh đối với châu Âu và Bắc Mỹ cũng như các nền dân chủ khác. Trong bối cảnh đó, sự quyết đoán của Trung Quốc và việc Trung Quốc tuyên bố tham vọng đối với Đài Loan sẽ khiến nhiều quốc gia lo lắng hơn, buộc họ phải đặt ra những kịch bản xấu nhất có thể đối với an ninh thế giới kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Ấn Độ và Nga

Ấn Độ đã tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một dấu hiệu cho thấy điều đó là vai trò của Ấn Độ trong Bộ tứ - một nhóm an ninh không chính thức cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, gần đây đang trở nên tích cực hơn.

Tuy nhiên Ấn Độ lại có quan hệ quốc phòng rất mật thiết với với Nga - ước tính có khoảng 50% số lượng thiết bị quân sự của Ấn Độ đến từ Nga. Những thiết bị quân sự này được coi là vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể leo thang trở lại. Ấn Độ cũng có mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Pakistan, quốc gia đã bùng phát khủng hoảng tại khu vực biên giới khi cuộc tranh chấp Kashmir nổ ra vào năm 2019.

Trong khi đó, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD với Nga vào năm 2018 cho hệ thống tên lửa phòng không, mặc dù biết rõ về các biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp đặt thông qua Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA).

Ấn Độ không xem xét tình hình ở Ukraine trong mối quan hệ của họ với quốc gia đó - họ đang nghĩ về những mối nguy hiểm ở sân sau của chính mình, Happymon Jacob, phó giáo sư về ngoại giao và giải trừ quân bị tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết.

Jacob nói: “Đây không phải là chống lại phương Tây hay ủng hộ Nga". (Chính phủ Ấn Độ) đã không ủng hộ Nga một cách rõ ràng, nhưng họ phải thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn, có sắc thái hơn".

Cho đến nay, Ấn Độ đã cố gắng giữ hòa khí với cả hai bên - ông Modi đã nói chuyện với cả nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky và Tổng thống Putin, đồng thời cam kết viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Ấn Độ đã không lên án rõ ràng các cuộc tấn công của Nga, nhưng ông Modi kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" và "nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên" để đàm phán.

Nga và Ấn Độ có lịch sử quan hệ hữu nghị lâu đời, kéo dài từ thời Liên Xô khi Liên Xô giúp Ấn Độ giành chiến thắng trong cuộc chiến năm 1971 với Pakistan. Ngoài ra mối quan hệ giữa ông Putin và ông Modi được xem là rất tốt, ông Modi là một trong hai nhà lãnh đạo thế giới duy nhất mà ông Putin đã đến gặp vào năm ngoái, trong chuyến thăm tới New Delhi vào tháng 12.

"Ấn Độ cần sự ủng hộ từ Nga để chống lại Trung Quốc", Harsh V. Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Hoàng Gia Luân Đôn, và là người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi, nói "Ấn Độ sẽ phải cân bằng mối quan hệ lịch sử với Nga với mối quan hệ đang phát triển với phương Tây".

Thương mại quốc phòng của Mỹ với Ấn Độ đã tăng từ gần 0 vào năm 2008 lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2020 . Và khi cuộc chiến của Nga bùng nổ, ông Putin có thể giảm viện trợ quốc phòng đối với các quốc gia như Ấn Độ để tập trung giải quyết các vấn đề tại Ukraine.

Ngoài ra Ấn Độ cũng có áp lực trong nước - sau khi một sinh viên Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc pháo kích vào Kharkiv của Nga khi đang mua hàng tạp hóa, ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở Ấn Độ giúp sơ tán hàng trăm sinh viên Ấn Độ khác bị mắc kẹt ở thành phố Sumy đang bị bắn phá nặng nề trong những ngày gần đây.

220306233958-indian-students-ukraine-03032022-exlarge-169.jpg
Sinh viên Ấn Độ chờ lên chuyến tàu từ Lviv, Ukraine đến Ba Lan, ngày 3/3 (Ảnh: CNN)

Tư lợi

Hervé Lemahieu, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Lowy, có trụ sở tại Australia, cho biết: “Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Putin trên cương vị Tổng thống, ông ấy đã nhấn mạnh rất nhiều vào việc khơi lại mối quan hệ của Liên Xô cũ với các đối tác châu Á. "Ông ấy có bóng ở châu Á ... và, như chúng ta đã thấy, ông ấy không phải chỉ có Trung Quốc."

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga - nhưng vì những lý do rất khác nhau.

Ông Tsang của SOAS nói rằng Trung Quốc có "lợi ích rõ ràng" trong việc đảm bảo ông Putin tiếp tục nắm quyền.

"Họ chia sẻ hai lợi ích chiến lược chính: một là hạ thấp vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, Thứ hai là làm cho thế giới an toàn trước chủ nghĩa độc tài", Tsang nói.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Bắc Kinh là có điều kiện - nếu Nga không thành công trong việc hỗ trợ các mục tiêu chung của các nước, Trung Quốc có thể điều chỉnh lại sự hỗ trợ của mình, ông nói.

Ở những nơi khác tại châu Á, các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án Nga. Singapore cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Và trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tuần trước đưa ra một tuyên bố không lên án hay coi hành động của Nga là một hành động xâm lược, 8 trong số 10 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi Nga ngừng ngay lập tức việc sử dụng vũ lực ở Ukraine. Chỉ có Lào và Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Đối với Ấn Độ, những lo ngại về an ninh và phát triển có thể được đặt lên hàng đầu, khi mà "ở châu Á, thách thức cơ bản đối với hầu hết là sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc", Manoj Kewalramani, chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Viện Takshashila ở Bangalore, cho biết.

Phúc Sơn