Trong nước

Cúng ông Công ông Táo: Xả rác xuống bừa bãi sẽ bị phạt nặng

  • Tác giả : Bình Nguyên/TT&CS (tổng hợp)
Lực lượng công an khuyến nghị, người dân không phóng sinh cá, ốc... túi nilon, rác thải nhựa... ra ao hồ. Đề nghị công dân đổ rác đúng nơi quy định.
Theo báo HNM, ngày 21/1, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) thông tin, tiếp tục phát hiện 2 công dân có hành vi vứt rác ra hồ Tây.
Cụ thể, chiều 20/1, kiểm tra khu vực phố Vệ Hồ và đoạn đường ven hồ thuộc phường Quảng An, tổ công tác phát hiện 2 công dân vứt bát hương, tro, bàn thờ gỗ… tại khu vực đường lên xuống bến nước hồ Tây. Tổ công tác đã ghi hình, lập biên bản hành vi vi phạm trên.
Ha Noi: Xu phat nang truong hop vut rac xuong Ho Tay
Hình ảnh người dân phóng sinh, xả rác bừa bãi ra hồ Tây/ (Ảnh SKĐS)
Căn cứ hành vi vi phạm theo điểm d khoản 2 điều 25 Nghị định 45/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, tổ công tác đã xử phạt 2 công dân trên mức phạt tiền 1.500.000 đồng/ trường hợp.
Trước đó, ngày 15/1, Công an quận Tây Hồ thực hiện tuần tra, phát hiện 4 công dân vứt rác thải không đúng nơi quy định tại nơi công cộng. Trong đó có 1 trường hợp xả rác thải xuống hồ Tây, 3 trường hợp còn lại xả rác trên đường phố và trong khu vực ngõ nhỏ đông dân cư.
Hôm nay là Tết ông Công ông Táo, lực lượng công an khuyến nghị, người dân không phóng sinh cá, ốc... túi nilon, rác thải nhựa... ra ao hồ. Đề nghị công dân đổ rác đúng nơi quy định. Hiện tại, ở các điểm tâm linh, các khu vực công cộng, cơ quan chức năng đều đặt thùng rác và thùng nhựa chứa nước sạch để bà con thả cá chép và phóng sinh.
Ha Noi: Xu phat nang truong hop vut rac xuong Ho Tay-Hinh-2
Người dân đi thả cá chép không phải dừng xe lâu trên cầu để tự thả cá, gây mất an toàn giao thông. (Ảnh Tiền Phong)

Theo báo Tiền Phong, sáng 21/1 tức 22 tháng Chạp năm Giáp Thìn, nhiều bạn trẻ đã tập trung trên cầu Long Biên để chuẩn bị hỗ trợ người dân thả cá và tro nhang.

Năm nay, nhóm bạn trẻ mang tên "cá chép" tiếp tục thực hiện chương trình "Đường Táo quân", huy động được hơn 100 tình nguyện viên có mặt tại cầu Long Biên hỗ trợ người dân thả cá, thu gom túi nilon và tàn hương, qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức và bảo vệ môi trường.

Dọc khu vực cầu, nhiều tình nguyện viên đã chờ sẵn để hỗ trợ, nhắc nhở người dân cách thả cá chép an toàn, không gây ảnh hưởng môi trường và an toàn giao thông.

Sau khi thả cá, cần thu gom túi nilon và bỏ đúng nơi quy định. Việc bỏ lại túi nilon hoặc xả rác bừa bãi gây hại môi trường và đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp của việc thả cá.

Ha Noi: Xu phat nang truong hop vut rac xuong Ho Tay-Hinh-3
Bạn trẻ chung tay "thả cá đừng thả túi nilon" ngày cúng ông Công ông Táo
Theo báo Hưng Yên, lễ cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn hướng con người tới những điều thiện, điều tốt lành. Phong tục thả cá chép không chỉ mang ý nghĩa phóng sinh thể hiện tính nhân văn trong truyền thống của người Việt mà còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Trên thực tế, một bộ phận người dân không hiểu đúng bản chất của phong tục cúng ông Công, ông Táo nên đã có những cách hành xử kém văn hóa, gây lãng phí tiền của và ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường sống.

Ông Trần Văn Ước, hộ dân sinh sống ở khu vực cầu An Tảo (thành phố Hưng Yên) bức xúc: Một số người vô ý thức, họ đứng từ trên cầu không chỉ thả cá mà còn thả cả tro bụi, vàng mã, thậm chí rất nhiều túi nilon cũng được thả cùng khiến bờ sông không khác gì một bãi rác.

Việc đốt vàng mã thái quá, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, gây lãng phí tiền bạc mà còn mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Vì thế, để gìn giữ nét đẹp văn hóa trong ngày Tết ông Công, ông Táo, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, giúp người dân thay đổi thói quen đốt vàng mã sao cho văn minh, tiết kiệm. Người xưa đã dạy “lễ bạc tâm thành”, vì vậy người cúng lễ chẳng cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, mà chỉ cần thành tâm, hành thiện mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng.

>>> Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường:
Bình Nguyên/TT&CS (tổng hợp)