Khám phá

Cú lừa “đánh cắp khái niệm” đông trùng hạ thảo – kỳ cuối: Cần công bố rõ thành phần

Trong khi đông trùng hạ thảo được coi là mặt hàng xa xỉ trên thị trường hiện nay thì theo các nhà khoa học, cần công bố rõ thành phần hoạt chất, tác dụng có kiểm chứng để tạo ra sự công bằng cho người tiêu dùng. Nếu sản phẩm không làm từ nấm và sâu Đông trùng hạ thảo thì nhất thiết không được để tên như vậy, tránh gây hiểu lầm.

Cần công bố rõ thành phần của đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm.

Đông trùng hạ thảo giá bán ngất ngưởng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các đơn vị kinh doanh sản phẩm gọi là Đông trùng hạ thảo xuất hiện khá nhiều với giá thành rất cao. Tại trang web dongtrungtaytang.com.vn, Đông trùng hạ thảo nguyên con được bán với giá 920.000.000 đồng/0,5kg, hộp 10g có giá 21.000.000 đồng, hộp 20g có giá 19.000.000 đồng. Ngoài ra còn có đông trùng hạ thảo dạng nước và dạng viên.

Sản phẩm Đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm với nhãn hiệu “Đông trùng hạ thảo made in Việt Nam” hiện có một số công ty lớn cung cấp. Bảng giá của Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên phúc: Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc khô Cordyris nhãn đỏ hộp 15gr: 3.000.000 đồng, hộp 50gr: 8.900.000 đồng. Đông trùng hạ thảo Thiên phúc khô Cordyris nhãn vàng túi 50gr 5.800.000 đồng. Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc tươi Cordyfresh nhãn đỏ túi 500gr giá 14.000.000 đồng. Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc tươi Cordyfesh nhãn vàng túi 5000gr giá 9.700.000 đồng. Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc Cordymass cao cấp dạng bột, túi 1000gr giá 3.700.000 đồng/túi.

Công ty TNHH đông trùng hạ thảo VINA Việt Nam công bố bảng giá đông trùng hạ thảo: Lọ tươi 125-130g có giá 60.000 đồng. Quả thể đông trùng hạ thảo tươi hộp 100g có giá 2.000. 000 đồng. Quả thể đông trung hạ thảo khô lọ 10g có giá 1.800.000 đồng. Bột đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên chất hộp 10g có giá 1.500.000 đồng. Quả thể đông trùng hạ thảo sấy khô hộ 25g có giá 4.500.000 đồng. Bột đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên chất 100% có giá 3.750.000 đồng/hôp 25g. Quả thể đông trùng hạ thảo sấy nóng có giá 1.500.000 đồng, hộp 10g. Quả thể đông trùng hạ thảo tươi ngâm rượu có giá 2.000.000 đồng/bình 1800ml. Bột sinh khối đông trùng hạ thảo sấy nóng có giá 600.000 đồng/lọ 200g.

Đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm do Viện Bảo vệ Thực vật nghiên cứu thành công và bán ra thị trường có giá như sau: Đông trùng hạ thảo nguyên con tươi/khô: 1.000.000 đồng/10 con. Đông trùng hạ thảo nguyên con tươi nửa lạng có giá 4.100.000 đồng, 1 lạng có giá 8.000.000 đồng. Đông trùng hạ thảo nguyên con khô 10g có giá 3.000.000 đồng, 25g có giá 7.500.000 đồng, nửa lạng 15.000.000 đồng. Đông trùng hạ thảo sợi khô có giá 9.000.000 đồng/lạng. Đông trùng hạ thảo sinh khối tươi có đế 700.000 đồng/hộp.

Công ty Cổ phần Nấm Ta niêm yết giá bán Đông trùng hạ thảo như sau: Đông trùng hạ thảo hộp gỗ 10g: 1.496.000 đồng; hộp giấy 10g có giá 1.402.500 đồng. Nước đông trùng hạ thảo có giá 264.000 đồng/4 lọ. Bột Đông Trùng Hạ Thảo Sigma 2 Cordyceps 495,000 đồng hộp.

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý, ngày xưa chỉ có trong tự nhiên ở Trung Quốc, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như tăng khả năng miễn dịch, chống ung thư, tăng sức đề kháng. Trước đây giá trị của Đông trùng Hạ thảo rất cao, khối lượng của chúng có giá tương đương với vàng. Do đó, cũng ít có đơn thuốc kê đơn có vị Đông trùng hạ thảo vì giá quá cao.

Không được để tên Đông trùng hạ thảo

GS Bùi Công Hiển cho rằng, việc phát triển một đề tài khoa học để kinh doanh không phải là việc xấu, tuy nhiên khoa học thì cần đến độ chính xác cao, không thể “mập mờ đánh lận con đen” để lừa dối người tiêu dùng. Nếu nhà sản xuất làm ra “Đông trùng hạ thảo” từ nhộng tằm thì nhất thiết không được để tên là “Đông trùng hạ thảo”.

TS Dương Văn Hợp chung quan điểm cho rằng, nếu vẫn sử dụng nhộng trùng thảo thì nên để tên gọi đúng với bản chất của nó, các sản phẩm gắn mác “Đông trùng hạ thảo” phải bằng tên Nhộng trùng thảo hoặc một cái tên nào đó đúng với bản chất hơn là mượn danh của một sản phẩm rất nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng. Để một cái tên “mặc nhiên tốt” dễ dẫn đến những cách hiểu sai cho người tiêu dùng.

TS Phạm Văn Nhạ, Trung tâm Đấu tranh Sinh học, Viện Bảo vệ Thực vật là tác giả sản phẩm đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm cho rằng, hiện nay trong việc gọi tên Đông trùng hạ thảo thì người ta phân biệt làm hai loài, một loài là Cordyceps sinensis và một loài là Cordyceps militarit.

Theo ông thì dù là loài nào cũng nên duy trì tên gọi là Đông trùng hạ thảo cho phù hợp với các sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam. Hàn Quốc cũng nhân nuôi loài nấm militarit này để sản xuất nước uống, phân phối trên thị trường Việt Nam. Nếu buộc phải đặt tên lại cho Đông trùng hạ thảo sản xuất ở Việt Nam thì cũng phải thay đổi tên gọi các sản phẩm nhập khẩu này thì mới có sự công bằng.

Ông Nhạ cho biết: “Hiện nay Hàn Quốc có nhập khẩu con tằm sấy khô ở Việt Nam về làm nguyên liệu, trong khi đó chúng ta làm từ nhộng tằm tươi thì chất lượng tốt hơn nhiều. Họ bán vào thị trường Việt Nam số lượng lớn nước uống, viên nang, túi uống sẵn dưới dạng lên men dịch thể, chất lượng rất thấp và họ cũng gọi là Đông trùng hạ thảo. Tôi tự hỏi tại sao các nhà khoa học Việt Nam lại không để ý vào những cái đó mà trong nước cứ bắt đầu sản xuất lại có cái nhìn khắt khe hơn”.

Đông trùng hạ thảo thật cũng có thể là “giả”

Theo TS Phạm Văn Nhạ, hiện các phòng phân tích ở Việt Nam đều có thể phân tích được thành phần của Đông trùng hạ thảo. Tất cả các cơ sở sản xuất đều phải phân tích để biết sản phẩm mình làm đến đâu.

Tuy nhiên không phân tích được hết các thành phần mà chỉ phân tích các chất mình quan tâm nhất. Đối với thành phần là axit amin thì ở Trung tâm Đấu tranh Sinh học cũng không thực hiện phân tích do chi phí làm những phân tích này rất tốn kém.

Có đợt, TS Phạm Văn Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ KH&CN đi khảo sát tình hình nuôi Đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm của Trung Quốc. TS Nhạ có lấy mẫu từ một công ty sản xuất lớn ở đó về phân tích thì kết quả cho thấy, thành phần dưỡng chất anocepin và cordycepin chỉ bằng 1/9 của Việt Nam. Hiện ông còn giữ kết quả này.

Chúng tôi đặt câu hỏi so sánh về chất lượng của Đông trùng hạ thảo với Nhộng trùng thảo, TS Phạm Văn Nhạ cho biết, hiện nay không mua được mẫu Đông trùng hạ thảo từ Cordyceps sinensis, dù trong chuyến công tác trước đây ở Trung Quốc, ông đã đi tìm nhiều mà chưa được.

Ông hy vọng tới đây nhờ tác động của Bộ KH&CN để xin được mẫu trong tự nhiên về làm các xét nghiệm hoạt chất. “Còn các sản phẩm được rao bán hàng tỉ đồng trên thị trường, đa phần là các sản phẩm nuôi trồng chứ không có sẵn trong tự nhiên nhiều như thế. Tôi nghĩ các nhà khoa học ở Việt Nam nên quan tâm đến vấn đề đó”, TS Nhạ nhấn mạnh.

Phân biệt sản phẩm Đông trùng hạ thảo nuôi trồng hay tự nhiên rất khó, thậm chí các nhà khoa học cũng không phân biệt được, vì cấu trúc giống nhau. Khi đem đi phân tích hàm lượng có thể cũng giống nhau nhưng chắc chắn là chất lượng sẽ khác nhau.

Trên thế giới không ai công bố thành phần dinh dưỡng của sản phẩm nuôi trồng là bao nhiêu, tự nhiên là bao nhiêu, nó khác nhau như thế nào?

Theo TS Phạm Văn Nhạ, Đông trùng hạ thảo trên thị trường được quảng cáo là Đông trùng hạ thảo Tây Tạng với giá bán hàng tỷ đồng mỗi kg mà chất lượng như thế nào thì rất khó kiểm soát, đó mới là vấn đề lớn cần phải làm rõ.

Tô Hội