Cù Lao Chàm là cụm đảo, gồm một hòn đảo chính và 8 hòn đảo nhỏ bao quanh, thuộc xã Tân Hiệp, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km. Nhìn từ xa, hòn đảo này như cánh cung khổng lồ, trong đó lớn nhất là hòn Cù Lao (hay hòn Lao) và các đảo nhỏ gồm hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Tai, hòn Ông. Dân số trên đảo khoảng 3.000 người.
Một góc bãi Ông đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. |
“Cù lao xanh” đúng nghĩa
Cù Lao Chàm không những được thiên nhiên ban tặng sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên trên rừng, dưới biển, mà còn lưu giữ dấu tích của nhiều nền văn hóa từ thời tiền sử, văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Bên cạnh đó, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nhờ hệ sinh thái phong phú, bảo tồn hơn 950 loài thủy sinh.
Một điều đặc biệt khác khiến Cù Lao Chàm thu hút du khách Việt nam và Quốc tế đến trải nghiệm, đó chính là nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, biến nơi đây thành “cù lao xanh” đúng nghĩa.
Hoa ngô đồng nở rộ trên cung đường ven biển tại hòn Lao, đảo lớn nhất của Cù Lao Chàm. Ảnh: Lê Huy Tuấn. |
Từ năm 2018, Cù Lao Chàm phát động phong trào “Nói không với ống hút nhựa”. Đến năm 2019, toàn đảo lại lan tỏa thông điệp “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần”. Sau nhiều năm triển khai, hiện nay, nhiều hộ gia đình, kinh doanh buôn bán, homestay tại đây đã thay đổi thói quen, chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải, ống hút giấy, khuyến khích khách hàng không dùng túi đựng hàng…
Điều đáng nói, người dân và du khách đến Cù Lao Chàm đều ủng hộ và chấp hành tốt phong trào này, đặc biệt là “Nói không với túi nilon” - có từ trước đó nữa và được lan tỏa thành thương hiệu của các tour du lịch Cù Lao Chàm. Ngay từ bến cảng Cửa Đại, việc tuyên truyền và yêu cầu du khách không mang nilon, đồ nhựa dùng một lần lên tàu, thuyền đã được thực hiện quyết liệt. Chính vì thế, lượng rác thải nhựa giảm đáng kể.
Lặn biển ngắm san hô. Ảnh: Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. |
Ngoài ra, du khách cũng được trải nghiệm một số mô hình về giảm thiểu rác thải từ trên bờ và dưới biển khác tại đây như: Mô hình Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF); Ngôi nhà đại dương (mang rác về bờ của ngư dân); Thu gom rác tái chế tại trường học; Chương trình Giám sát rác thải bãi biển và rạn san hô; Phụ nữ ủ rác hữu cơ thành phân bón và nước rửa bát sinh học…
Nhiều trải nghiệm thú vị
Trước hết, để đặt chân đến cụm đảo Cù Lao Chàm, du khách phải đi đến TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau đó tìm đến cảng Cửa Đại, tiếp tục di chuyển bằng cano hoặc tàu gỗ.
Khách du lịch có thể đi cano với giá 150.000 đồng/người/chiều; thời gian di chuyển khoảng 20 phút. Hiện nay, tàu gỗ rất ít nhận khách, chủ yếu chở hàng hóa và để người dân địa phương đi lại. Cần lưu ý, khi ra Cù Lao Chàm tham quan, du khách sẽ phải tốn thêm khoản phí 70.000 đồng và khoảng 20.000 đồng nữa góp phần bảo vệ môi trường, an ninh.
Hoa ngô đồng nở rộ. Ảnh: Quảng Nam. |
Ngoài ra, cảng Cửa Đại hoặc những khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng cũng có rất nhiều dịch vụ liên kết cho tour trọn gói đi về trong ngày khám phá Cù Lao Chàm. Du khách có thể tham khảo với giá 600.000 đồng/người, tùy theo chất lượng phục vụ.
Đến với Cù Lao Chàm, bạn sẽ thấy không thiếu những trải nghiệm thú vị dành cho khách du lịch. Đầu tiên nói về biển, nơi đây có rất nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Ông, bãi Chồng, bãi Bìm, bãi Bắc, bãi Làng, bãi Hương, bãi Xếp với cát trắng và nước trong xanh. Nổi bật, bãi Làng và bãi Hương nằm gần làng chài, nơi có nhà dân và các homestay cho du khách nghỉ ngơi. Bãi Ông là địa điểm các đoàn khách thăm Cù Lao Chàm trong ngày thường dừng chân nghỉ ngơi. Du khách có thể tham gia lặn ngắm san hô và các trò chơi dưới nước.
Eo Gió - điểm check-in hàng đầu tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. |
Bên cạnh đó, du khách không nên bỏ qua những thắng cảnh khác và di tích nổi tiếng như: Eo Gió - nơi ngắm bình minh đẹp nhất Cù Lao Chàm; Giếng cổ Champa gắn liền những câu chuyện huyền bí qua nhiều thế hệ; Chùa Hải Tạng - ngôi chùa lâu đời, nằm hướng mặt về cánh đồng lúa duy nhất trên đảo; Miếu Tổ Nghề Yến tọa lạc tại Bãi Hương, Hòn Lao, Cù Lao Chàm, nổi tiếng với nghề nuôi yến tự nhiên có chất lượng thương phẩm đứng hàng đầu Việt Nam. Miếu Tổ Nghề Yến được dựng nên với mong muốn cầu mong người dân được bình an, nghề yến phát triển hơn.
Đến Cù Lao Chàm dịp khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, du khách sẽ được thưởng thức khung cảnh hoa ngô đồng nở rộ trên các con đường Bãi Xếp, Bãi Làng, Bãi Hương. Nếu lên kế hoạch đi Cù Lao Chàm ngay và luôn lúc này, du khách đừng quên check-in tại những con đường xinh đẹp này nhé.
Cũng cần lưu ý với du khách, Cù Lao Chàm không có dịch vụ nghỉ dưỡng sang trọng, nếu muốn nghỉ đêm lại trên các đảo thì chỉ có các homestay của người dân. Chất lượng phòng nghỉ khá tốt, giá cả không cao.
Khi đến Cù Lao Chàm, du khách không nên sử dụng các vật dụng từ ni lông. Nếu thực hiện các chuyến đi lặn biển, du khách không nên tự ý bẻ rạn san hô, không tự ý lặn biển sâu khi chưa có sự theo sau của chuyên gia hoặc khi trời có giông bão.