Lạc được đánh giá là loại thức ăn bổ dưỡng, giúp kéo dài tuổi thọ, cùng với đậu tương, lạc được gọi là thịt thực vật. Giá trị dinh dưỡng của lạc cao hơn lương thực, có thể sánh ngang với thức ăn động vật như trứng gà, sữa bò và các loại thịt. Lạc chứa nhiều protein và lipid, đặc biệt là hàm lượng axit béo không no rất cao, thích hợp để chế ra các loại thực phẩm dinh dưỡng.
Trong 100g lạc có chứa 567 calo; 7% nước; 25,8g protein; 16,1g carbs ; 4,7g đường; 8,5g; 49,2g chất béo lành mạnh. Chất béo chiếm hơn 49% dinh dưỡng trong lạc, trong đó thành phần chất béo không bão hòa chiếm phần lớn, chỉ một phần nhỏ là omega-6 và chất béo bão hòa. Theo Đông y, lạc vị ngọt, không độc, kiện tỳ vị, nhuận phế hóa đờm, bổ dưỡng điều khí, trị ho, nâng cao sức đề kháng cơ thể.
Theo thực tế, thành phần carb chiếm 13 - 16% trên tổng lượng. Do vậy, chỉ số đường huyết của lạc khá thấp, thích hợp cho người mắc bệnh tiểu đường, người thừa cân. Vitamin K trong lạc có tác dụng cầm máu, rất tốt cho nhiều loại bệnh xuất huyết. Vitamin B và kẽm trong lạc có thể tăng cường trí nhớ, chống lão hóa, giảm suy thoái công năng não, làm đẹp da. Vitamin C trong lạc có thể giảm cholesterol, giúp phòng chữa xơ cứng động mạch, huyết áp cao và bệnh tim mạch. Nguyên tố vi lượng selen và một số có hoạt tính sinh vật khác có thể phòng chữa các bệnh ung thư, nghẽn mạch máu tim, não. Ngoài ra, lạc còn có vitamin E, photpho, magie… đây là những vitamin và khoáng chất có vai trò cải thiện đáng kể sức khỏe của cơ thể. Trong Đông y, người ta dùng lạc chế ra nhiều món ăn có lợi cho sức khỏe, giúp bổ tỳ vị, nhuận phối, tiêu đờm, điều hòa khí huyết, lợi tiểu, tiêu sưng, cầm máu, tiết sữa, mát họng...
Lạc nấu chân giò là món ăn bổ huyết, thường dùng cho người thiếu máu, suy dinh dưỡng. Món lạc nhân táo đỏ nấu nước uống có tác dụng bổ khí kiện tỳ, sinh máu cầm máu, hỗ trợ người thiếu máu thiếu sắt, tiểu cầu suy giảm, dùng tốt cho người ung thư sau hóa trị, xạ trị. Người bị ho gà, đau họng, ho khan có thể dùng món canh lạc: Lấy lạc nghiền vụn, thêm muối và nước vừa đủ, đun nhỏ lửa thành dạng canh đặc để dùng. Trẻ suy dinh dưỡng lấy lạc nhân, xích tiểu đậu, cá diếc hoặc cá chép nấu nhừ ăn. Món ăn này cũng tốt cho người bị cổ trướng phù nề, xuất huyết dưới da và nội tạng. Trẻ táo bón nấu chè đậu lạc ăn. Lạc và đậu tương cho vào nồi đất, thêm đường cát, đun nước sôi vừa đủ, đun nhỏ lửa cho đến khi đậu tương vỡ nát, nấu cô lại thành dịch đặc màu nâu tro là được, chia ăn nhiều lần trong ngày.
Lương y Hoàng Xuân (Chùa Bộc, Hà Nội)