Y học và đời sống

Cột sống khó vận động do rối loạn mạch đốc

Mạch Đốc là một trong hai mạch quan trọng trên cơ thể con người, nhận tất cả kinh khí từ các đường kinh dương của cơ thể (bể của các kinh dương).  Khi mạch đốc rối loạn sẽ gây đau cột sống, đau lưng, đau ngực…
mạch đốc

Đường đi của mạch đốc (Ảnh minh họa)

Theo y học cổ truyền trên cơ thể con người có 8 mạch, trong đó có hai mạch quan trọng nhất là mạch nhâm và mạch đốc. Mạch nhâm có vai trò rất quan trọng trong vận hành khí huyết ở phần âm của cơ thể (vùng bụng ngực). Mạch đốc có nghĩa là chỉ huy, cai trị, thâu tóm tất cả các kinh dương, vì thế có tên “bể của các kinh dương”.

Đường đi của mạch đốc bắt nguồn từ thận, chạy đến huyệt hội âm, chạy tiếp đến huyệt trường cường. Từ đây đường kinh chạy tiếp lên trên dọc theo cột sống đến cổ tại huyệt phong phủ. Tại huyệt phong phủ đường kinh có nhánh đi sâu vào não, có nhánh chạy tiếp lên đỉnh đầu đến huyệt bách hội, vòng ra trước trán, xuống mũi, môi trên (huyệt nhân trung) và ngân giao ở nướu răng hàm trên.

Từ huyệt phong phủ (ở gáy), có nhánh đi ngược xuống 2 bả vai để nối với kinh cân của túc thái dương bàng quang, chạy tiếp xuống mông và tận cùng ở bộ sinh dục – tiết niệu. Từ đây (từ huyệt trung cực) xuất phát 2 nhánh:

Nhánh đi lên trên: theo kinh cân tỳ đến rốn. Tiếp tục đi lên theo mặt sau thành bụng, qua Tâm, xuất hiện trở ra ngoài da ở ngực để nối với kinh cân của bàng quang ở ngực, chạy tiếp đến cổ, mặt, đi sâu vào đồng tử và chấm dứt ở huyệt tình minh.

Nhánh đi xuống: theo bộ phận sinh dục – tiết niệu đến trực tràng, đến mông (nối với kinh cân Bàng quang tại đây) rồi chạy ngược lên đầu đến tận cùng ở huyệt tình minh (từ đây đi sâu vào não). Lại theo kinh chính Thận đi xuống đến thắt lưng ở huyệt Thận du rồi cho nhánh đi vào Thận.

Mạch Đốc cùng với tất cả những kinh dương (thái dương, dương minh, thiếu dương) hòa hợp với nhau và tạo thành dương của cơ thể. Mạch Đốc có tác dụng: Điều chỉnh và phấn chấn dương khí toàn thân (bể của các kinh dương); Đảm bảo sự liên hệ giữa hai thận với mệnh môn, để duy trì nguyên khí của thân thể; Liên lạc với kinh can.

Khi mạch đốc bị rối loạn, tùy theo tình trạng thực hay hư mà có biểu hiện khác nhau: đau và cứng cột sống, cột sống vận động khó, nếu bệnh nặng thì thành uốn ván hoặc đầu váng, lưng yếu. Đặc biệt, khi mạch đốc rối loạn có liên quan chặt chẽ đến những nhánh của mạch đốc: Đau thắt lưng kèm sốt cơn; nếu bệnh nặng, người bệnh có cảm giác lưng cứng như gỗ kèm không giữ được nước tiểu; Đau vùng hố chậu lan lên ngực; Đau vùng tim lan ra sau lưng….
Điều chỉnh rối loạn mạch đốc trị các chứng bệnh: đau lưng, cứng lưng, uốn ván do bệnh não, chứng bệnh các tạng phủ gần đường đi của mạch.

LY Tống Thị Bích Thủy (Hội Đông Y Hà Nội)