Theo Neuralink, việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho nghiên cứu lâm sàng trên người là "bước đầu quan trọng" đối với công nghệ của họ, nhằm hướng tới cái đích cuối cùng là cho phép não bộ giao tiếp trực tiếp với máy tính.
"Chúng tôi rất vui khi nhận được sự chấp thuận của FDA để bắt đầu nghiên cứu lâm sàng trên người", Neuralink đăng trên Twitter.
Neuralink đang phát triển một con chip có thể được gắn vào hộp sọ của người và liên kết với các điện cực truyền vào não người. Các điện cực có thể theo dõi và có khả năng kích thích hoạt động của não.
Hình minh họa quy trình cấy ghép chip vào não người của Neuralink - Ảnh: AFP |
Mục tiêu của Neuralink với các thử nghiệm trên người cho phép một người bị tê liệt có thể sử dụng máy tính hoặc điện thoại chỉ bằng hoạt động não của mình. Implant Neuralink 1 thực tế bao gồm nhiều chip, một pin không dây và các linh kiện điện tử khác được kín khít trong một thiết bị có kích thước tương đương một đồng xu lớn.
Một số dây siêu mỏng nhô ra từ implant và chúng được đưa trực tiếp vào não. Tín hiệu từ implant được gửi qua Bluetooth và được giải mã bởi giao diện máy tính não (BCI), cho phép người dùng, ví dụ như điều khiển con trỏ trên màn hình hoặc di chuyển chiếc cánh tay robot.
Ngoài việc giúp bệnh nhân tê liệt lấy lại một phần khả năng di chuyển và giao tiếp mà không cần gõ phím, mục tiêu dài hạn của Neuralink bao gồm việc khôi phục đầy đủ khả năng di chuyển và thị giác.
Tháng 12/2022, tỉ phú Elon Musk nói rằng đội ngũ Neuralink đang làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho ca cấy ghép đầu tiên trên người.
Trước đó, công ty đã cấy ghép não cho khoảng 23 con khỉ từ năm 2017 đến 2020. Chúng có thể chơi trò chơi điện tử đơn giản sau khi được cấy ghép não, nhưng có 15 con khỉ trong số này đã chết./.