Thế giới

Công nghệ mô cấy chữa khỏi ung thư trong 60 ngày

  • Tác giả : Bảo Châu (T/h)
Các nhà khoa học tại Đại học Rice (Mỹ) đang nỗ lực phát triển công nghệ mô cấy điều trị ung thư tiên tiến, có thể giảm 50% tỷ lệ tử vong do căn bệnh ác tính này.

Dự án đã nhận được 45 triệu USD tài trợ từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao Y tế thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Mục tiêu của nghiên cứu là phát triển “công nghệ cấy ghép cảm giác và phản ứng” nhằm cải thiện kết quả của liệu pháp miễn dịch đối với các bệnh ung thư khó điều trị.

Omid Veiseh, nhà kỹ thuật sinh học của Đại học Rice - điều tra viên chính của dự án, cho biết: "Tương tự phương pháp điều trị bệnh tiểu đường bằng máy bơm insulin, bộ cấy ghép hay 'bộ điều chỉnh sản xuất phân tử tiên tiến lai' (HAMMR), sẽ cung cấp thuốc trị liệu miễn dịch cho bệnh nhân trong một hệ thống 'khép kín'".

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, chỉ cần sử dụng thiết bị cấy ghép trong thời gian ngắn có thể loại bỏ ung thư chỉ trong 60 ngày.

“Tế bào ung thư liên tục phát triển và thích nghi với liệu pháp điều trị. Tuy nhiên, công cụ chẩn đoán hiện có, bao gồm xét nghiệm X quang, xét nghiệm máu và sinh thiết, cung cấp những bức ảnh chụp nhanh rất hiếm và hạn chế về quá trình này,” Tiến sĩ Amir Jazaeri - đồng điều tra viên chính và giáo sư ung thư phụ khoa tại Đại học Texas MD Anderson Trung tâm Ung thư cho biết.

Bộ cấy sẽ vừa theo dõi tế bào ung thư vừa cung cấp thuốc điều trị - Ảnh: Đại học Rice.

Bộ cấy sẽ vừa theo dõi tế bào ung thư vừa cung cấp thuốc điều trị - Ảnh: Đại học Rice.

Tiến sĩ Amir Jazaeri nói thêm, các liệu pháp hiện có coi ung thư là căn bệnh tĩnh. Công nghệ này sẽ cung cấp dữ liệu xung quanh khối u theo thời gian thực, cho phép phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

“Công nghệ này có thể áp dụng rộng rãi cho bệnh ung thư phúc mạc ảnh hưởng đến tuyến tụy, gan, phổi và các cơ quan khác”, ông Veiseh nói.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực trải rộng trên 20 phòng thí nghiệm ở 7 tiểu bang với tên dự án THOR, viết tắt của “quy định điều trị ung thư lai có mục tiêu”.

Thử nghiệm đầu tiên sẽ nghiên cứu hiệu quả của thiết bị cấy ghép đối với ung thư buồng trứng tái phát. Các tác giả hy vọng thử nghiệm trên người trong vòng 5 năm tới.

Bảo Châu (T/h)