Bà vẫn đan mũ len (công việc từ thiện bà đã làm cả năm nay), vẫn quan sát để ghi lại những điều bất cập quanh mình, lại lên kế hoạch làm từ thiện với tất cả số tiền mọi người vào thăm, và còn tìm cách liên hệ giúp một doanh nghiệp muốn mở dịch vụ gội đầu trong bệnh viện…
Bà nói về bệnh tật bình thản và nhẹ nhàng như lên kế hoạch cho một chuyến đi từ thiện mà tôi đã được vài lần cùng đi với bà, không có gì phải e ngại, kể cả những điều đáng sợ khi phải truyền hóa chất.
Tôi đã đi thăm nhiều người bị ung thư, nhưng nói thật là chưa gặp một ai bản lĩnh như bà. Nhiều người khi nhận kết quả bị ung thư đã suy sụp trước cả khi phải điều trị hóa chất hay xạ trị. Có người gia đình còn phải giấu không dám cho biết vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần.
- Con người ta hơn nhau ở bản lĩnh
Với nhiều người, bị kết luận ung thư đồng nghĩa với việc nhận án tử bởi ai cũng biết việc điều trị quá kinh khủng. Thế nên khi đến thăm bệnh nhân ung thư, ta thường nói tránh hoặc động viên họ cố gắng giữ tinh thần. Nhưng với bà, mọi việc đều không cần thiết, bà còn truyền cho người khác bản lĩnh.
Thế mới biết con người ta hơn nhau ở chỗ có bản lĩnh hay không. Bản lĩnh không chỉ là nghị lực, lòng dũng cảm… mà phần lớn nằm ở sự hiểu biết, là trí tuệ. Trong Phật giáo có khái niệm vô minh, tức là chưa giác ngộ, nó đối nghịch với trí tuệ. Vô minh đem lại đau khổ, còn giác ngộ mang lại sự giải thoát.
Mọi sự đau khổ của con người trên cõi đời này đều xuất phát từ vô minh. Vì hiểu sai mục đích sống mà nhiều người ta đã chạy theo, đã tôn thờ đồng tiền và đánh mất đi hạnh phúc lớn nhất của đời mình là sự thanh thản trong tâm hồn. Vì không hiểu được quy luật của sống chết mà người ta bo bo giữ lấy của mình, tìm mọi cách để mình được hơn người, mà bất chấp tất cả để đạt được cái mục đích sai lầm của mình…
Không ai sinh ra đã giác ngộ. Cuộc sống là một quá trình không ngừng nhận thức và giác ngộ. Và hạnh phúc chính là khi ta ngộ ra được điều gì đó.
Minh Anh