Khám phá

Có thể đặt chân hay bước đi trên bề mặt sao Mộc?

Sao Mộc là một hành tinh khí gas khổng lồ không thể để đặt chân lên nên việc bước đi trên bề mặt của nó là điều không thể. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một phi hành gia được thả từ ngoài không gian xuống sao Mộc?

Ảnh minh họa.

Hành tinh này thực ra không hề có thứ được gọi là “bề mặt”, ít nhất là theo cách mà chúng ta hình dung trên Trái Đất. Khi ai đó nói về bề mặt của một hành tinh, chúng ta thường liên hệ đến hình ảnh một bề mặt cứng, đầy đất đá, nhưng điều đó không đúng với sao Mộc.

Theo Wikipedia, không giống với Trái Đất, sao Mộc không hề có bề mặt cứng. Nó là một khối gas cùng vài thứ khác, được kéo lại gần nhau và tạo thành hình dạng một hành tinh. Khí gas trong khí quyền sao Mộc cũng có “trần” hay là “tầng trên”; các lớp khí gas mỏng dần khi càng rời xa trung tâm hành tinh.

Nếu bạn được thả từ vị trí bên ngoài bầu khí quyển có thể thấy được của sao Mộc, khi bạn rơi vào bên trong bầu khí quyển một khoảng gần 300.000km (chúng ta sẽ gọi điểm này là “bề mặt”), thì bạn sẽ chết vì nhiễm độc phóng xạ chứ chưa nói đến việc đặt chân hay bước đi trên đó.

Tuy nhiên, chẳng hạn bạn mặc một bộ áo du hành không gian không thể bị phá hủy nên bạn sẽ không sao. Thay vào đó, do khối lượng sao Mộc quá lớn, tốc độ rơi của bạn sẽ bắt đầu tăng lên. Tiếp tục rơi, bạn sẽ lọt vào phần giữa của khí quyển tầng trên của sao Mộc, rơi xuyên qua các đám mây amoniac. Bạn sẽ không bị bốc cháy với cú rơi này bởi phần dày nhất của khí quyển bạn đã vượt qua được. Sức nóng từ lực ma sát và sức ép siêu âm sẽ không đốt cháy bạn ở giai đoạn này.

Sau vài phút, bạn tiếp tục rơi, xuyên qua một khu vực với áp suất gấp đôi áp suất trung bình trên bề mặt Trái Đất. Bạn càng tiếp tục rơi thì áp suất khí quyển càng tăng lên. Nhiệt độ môi trường cũng càng lúc càng tăng. Mọi thứ xung quanh sẽ tối dần đi và sau vài phút thì mọi thứ sẽ hoàn toàn tối đen như mực, nhiệt độ thì tăng lên hơn 100 độ C.

Nhiệt độ tiếp tục tăng lên, khi bạn vào vùng bên trong hành tinh thì áp suất và mật độ khí quyển đã khá cao, khiến tốc độ rơi bị giảm đến mức tối thiểu.

Ở mức độ này, bạn sẽ thấy một đại dương khổng lồ gồm hydrogen kim loại lỏng, bởi áp suất khí quyển cực cao đã chuyển khí ga hydrogen sang dạng lỏng. Trong Hệ Mặt Trời, sao Mộc có tốc độ quay nhanh nhất và khi nó quay, đại dương kim loại lỏng này sẽ cuộn xoáy tạo thành trường từ mạnh nhất trong Hệ mặt trời.

Cuối cùng, nơi bạn tiếp đến chính là điểm áp suất 2 triệu bar và có nhiệt độ cao như mặt trời, bạn không thể tiếp tục rơi cũng như sống sót được nữa. Các nhà khoa học không gian vẫn chưa thực sự biết liệu sao Mộc chỉ toàn gas hay có lõi cứng và nóng hay không? Bởi vậy, việc một người bước đi hay đặt chân lên bề mặt sao Mộc là điều bất khả thi.

Dương Uyên

(theo Vietnamnet)