Dữ liệu y khoa

Có thể chữa trị u cột sống nếu... phát hiện sớm

  • Tác giả : Thúy Nga
Có đến 20% các nguyên nhân khác gây triệu chứng giống thoát vị đĩa đệm, trong đó có u cột sống. U cột sống khác với thoát vị, u có thể gây liệt hẳn chứ không tự khỏi, nhưng nếu phát hiện sớm thì kể cả u di căn cột sống vẫn chưa phải là dấu chấm hết.

U cột sống là những khối mô bất thường xuất hiện ở bên trong hoặc xung quanh tủy sống, cột sống. Khi những tế bào này tăng trưởng và nhân đôi một cách không kiểm soát, chúng tạo thành những khối u trong tủy sống, đó có thể là u lành tính hoặc u ác tính.

Chèn ép thần kinh gây liệt và đau đớn

Ngày 15/3/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tiếp nhận bệnh nhân nam (27 tuổi) nhập viện trong tình trạng chân tê bì và teo nhiều. Bệnh nhân đi khám chữa thoát vị đĩa đệm khắp nơi nhưng không khỏi. Cuối cùng, sau 6 tháng chịu đựng đau đớn mới xác định được u Schwannoma trong ống sống. Đây là một loại u hiếm gặp chèn ép thần kinh khiến người bệnh cảm thấy đau đớn.

cot-song1.jpg

 Ca phẫu thuật lấy u cột sống của bác sĩ Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Ngày 22/3/2022, ekip mổ gồm ThS.BS Trần Trung Kiên, Khoa Ngoại Thần kinh cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và BSCKII Nguyễn Minh Khôi, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ca mổ đã được thực hiện thành công với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhất có thể, bảo vệ hoàn toàn cấu trúc diện khớp và dây chằng nhưng vẫn lấy được triệt để u. Do đây là dạng u thần kinh lành tính nên sau gần 6 tiếng mổ, người bệnh đã có thể đứng dậy và bước tại chỗ.

ThS.BS Trần Trung Kiên cảnh báo, người dân không nên chủ quan cho rằng, cứ đau lưng, liệt chân là do thoát vị, mà cần đi khám để phát hiện bệnh sớm. Người bệnh cần lưu ý, không phải bệnh lý cột sống nào cũng phải mổ. Vì vậy, nên đến gặp đúng bác sĩ chuyên khoa cột sống khám và nghe tư vấn để phát hiện sớm bệnh.

Đọc phim (kể cả đọc trực tiếp lẫn đọc qua mạng) có vai trò chẩn đoán xác định bệnh lý cột sống tuyệt đối với điều kiện bác sĩ phải được khám, hỏi bệnh trực tiếp trên người bệnh trước khi đưa ra chỉ định chụp chiếu. Tất cả phim chụp trước nhờ đọc "qua mạng" chỉ mang tính chất định hướng chẩn đoán.

cot-song-3.jpg

 Khối u cột sống được lấy ra

Như trường hợp bệnh nhân nữ 60 tuổi tự đi chụp phim sớm và đi chữa ở những cơ sở không chính thống với chẩn đoán thoái hoá thoát vị đĩa đệm. Nhưng càng chữa chân càng yếu và không đi lại được... Khi đến khám cột sống tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã liệt hai chân, phải ngồi xe lăn.

Ngay khi khám lâm sàng, tổn thương đã được định khu. Cũng là 1 phim cộng hưởng từ, nhưng là đoạn cột sống ngực, hình ảnh u rất to trong ống sống chèn ép tuỷ vô cùng nặng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật và dần phục tốt.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, u cột sống là các khối u phát triển bên trong ống đốt sống của cột sống. Khi những khối u cột sống này phát triển, chúng có thể khiến ống tủy sống bị thay đổi và gây ra những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi những khối u tủy này không phải là ung thư.

Dấu hiệu và triệu chứng của u cột sống ở mỗi người là khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp gồm: Đau tại vị trí cột sống có khối u; Đau khắp cột sống; Bị yếu cơ ở cánh tay hoặc chân; Mất xúc giác ở tay, chân, bàn tay và bàn chân; Khó khăn khi đi đứng; Bị mất chức năng ruột hoặc bàng quang; Độ nhạy cảm đau ở các khu vực bị giảm; Chèn ép dây thần kinh làm thay đổi mức độ tê liệt.

Nếu phát hiện sớm, đều có thể chữa trị

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa nhấn mạnh, cột sống là xương trục chính, là giá đỡ cho các cơ quan quan trọng. Các khối u di căn thường xảy ra ở đây. Các khối u xương lành tính ít gặp hơn u di căn và ung thư nguyên phát cột sống ít gặp nhất. Tuy nhiên, đôi khi rất khó để phân biệt u nguyên phát và u di căn cột sống.

cot-song-2.jpg
Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật

Các khối u di căn không rõ nguồn gốc cũng thường được thấy ở cột sống. Các đặc điểm về tổn thương nguyên phát có vai trò quan trọng trong điều trị các tổn thương di căn cột sống. Vì vậy, đối với các tổn thương di căn không rõ nguồn gốc, sinh thiết là bước quan trọng liên quan đến lựa chọn phác đồ điều trị.

Cần lưu ý, các tổn thương thứ phát liên quan đến cột sống là một phần của các khối u ác tính trong cơ thể nói chung. Giai đoạn phẫu thuật quan trọng để xác định phác đồ điều trị. Mục đích điều trị các khối u di căn nhằm giảm đau và bảo tồn chức năng cơ học và thần kinh của cột sống. Chiến lược điều trị u nguyên phát nhằm loại bỏ khối u và bảo tồn chức năng cơ học và thần kinh của cột sống.

Giống như tất cả các phương pháp phẫu thuật ung thư, các phương pháp chẩn đoán, can thiệp khối u nguyên phát hay di căn cột sống, cũng như quản lý chung cho các bệnh nhân nên được tiếp cận đa ngành.

Theo ThS.BS Trần Trung Kiên, nhiều người bị ung thư, đặc biệt là di căn xương, di căn cột sống cho là đã hết hy vọng và buông xuôi. Nhưng thực tế cần hiểu rõ câu nói kinh điển trong ngành ung thư: “Nếu phát hiện sớm, đều có thể chữa trị”. Chẳng hạn, bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật ung thư trực tràng, đến khám với triệu chứng đau cổ và liệt tiến triển tay phải. Trên cộng hưởng từ quan sát thấy hình ảnh tổn thương di căn đốt sống ngực thứ nhất (T1) gây xẹp nặng đốt sống và chèn ép tuỷ ngang mức.

Đối với tổn thương di căn một ổ duy nhất tại cột sống, sau phẫu thuật, khả năng sống trên 5 năm lên đến 90%. Vì vậy, các bác sĩ quyết định làm phẫu thuật triệt căn, cắt toàn bộ thân đốt sống lối trước và lối sau “en-bloc” (nguyên khối). Sau tổng cộng hơn 3 tiếng, nguyên khối thân đốt sống ngực T1 có chứa tế bào ung thư đã được cắt bỏ hoàn toàn.

Do đó, người bệnh ung thư cần chú ý: Ung thư cột sống đôi khi không phải dấu chấm hết. Phẫu thuật đưa lại cho bệnh nhân thêm một cơ hội.

Phân biệt thoát vị đĩa đệm và u cột sống

Các triệu chứng của u cột sống giống với thoát vị đĩa đệm - rất đau và gây chèn ép thần kinh. Khác với thoát vị, u cột sống có thể gây liệt hẳn chứ không tự khỏi. U dễ chẩn đoán muộn ở người có tuổi, vì triệu chứng có thể lẫn với biểu hiện thoái hoá thần kinh mạn tính, hoặc hạn chế đi lại do tình trạng đau khớp kéo dài. Thêm nữa, người già có xu thế điều trị trên kinh nghiệm truyền miệng, ít thông tin cập nhật, nên đến khi không đi lại được hẳn thì mới chịu đi khám.

Thúy Nga