Đây là xu hướng tăng mạnh hưởng lợi của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu cùng “họ” với Sông Đà lại bắt đầu nổi sóng từ cuối tháng 8.
Tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu SD3 của Sông Đà 3 (UPCoM: SD3) từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên 13.800 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng qua.
Đà tăng mạnh từ đầu tháng 11 ở vùng giá 6.000 đồng lên 13.800 đồng/cổ phiếu. Loạt cổ phiếu như SD2, SD4, SD6, SD9, SDT đều tăng trên 100%.
Cổ phiếu SD1 của Sông Đà 1 (UPCoM: SD1) tăng giá từ 1.800 đồng/cp lên 2.900 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu này bị hạn chế giao dịch do không công bố báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.
Đến nay, việc hạn chế vẫn tiếp diễn với lý do chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung báo cáo tài chính 2020 đã kiểm toán. Hiện không có biện pháp khắc phục.
Cũng theo đó, cổ phiếu S12 của Sông Đà 12 (UPCoM: S12) cũng tăng từ 1.000 đồng/cổ phiếu lên 2.000 đồng/cổ phiếu tính từ phiên 10/9.
Tương tự SD1, cổ phiếu S12 bị hạn chế giao dịch từ 2018 và đến nay vẫn bị do âm vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính tổng hợp năm 2020 được kiểm toán.
Tại thời điểm cuối quý 3/2021, Sông Đà có quy mô tài sản 25.175 tỷ đồng, giảm 879 tỷ đồng so với đầu năm. Chủ yếu giảm trong khoản phải thu ngắn hạn từ 8.809 tỷ đồng xuống 8.176 tỷ đồng (cụ thể là giảm mạnh phải thu về cho vay ngắn hạn). Doanh nghiệp giảm được 840 tỷ đồng nợ vay trong 9 tháng qua, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,5 lần.
Theo tìm hiểu, tổng công ty Sông Đà là “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện có bề dày lịch sử lên đến 60 năm. Trong quá trình phát triển, đơn vị đã mở rộng ra thi công công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, kinh doanh điện thương phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư khu công nghiệp…
Vào thời điểm hoàng kim 2015, doanh thu tổng công ty từng đạt mức 17.100 tỷ đồng và lợi nhuận gần 600 tỷ đồng. Song, hoạt động suy giảm dần, đến năm 2020, doanh thu thuần đạt 6.044 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 179 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 7,5 tỷ đồng, giảm 95%.
Cuối năm trước, phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà đã được chuyển từ Bộ Xây dựng về cho SCIC. Kế hoạch kinh doanh trong năm đầu tiên về với SCIC là doanh thu 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 280 tỷ đồng. Qua 9 tháng, tổng công ty đã thực hiện vượt 21% kế hoạch lợi nhuận năm.
Vào giữa tháng 7 năm nay, tổng công ty đã công bố quyết định HĐQT duyệt phương án thoái vốn tại Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, HoSE: SJS).
Theo đó, đơn vị sẽ chuyển nhượng toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu, chiếm 36,65% vốn Sudico. Giá khởi điểm 80.000 đồng/cp, tổng công ty dự thu khoảng 3.336 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin thêm về việc thoái vốn.