Khám phá

Có nên loại bỏ lớp tuyết trong tủ lạnh?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Sau một thời gian sử dụng, nhiều tủ lạnh xuất hiện lớp tuyết xốp, trắng xoá. Lớp tuyết này ngày càng dày và cứng, ảnh hưởng tới công năng sử dụng của tủ.

Hiện tượng tủ lạnh bị đóng tuyết hoàn toàn khác với đông đá. Ngăn đá có chức năng làm đông cứng nước hay các thực phẩm khác khi bảo quản trong đó. Còn đóng tuyết là hiện tượng tuyết trắng (đá xốp) bám trên thành tủ lạnh. Thậm chí bám trực tiếp trên đồ được bảo quản bên trong tủ lạnh.

Có nên loại bỏ lớp tuyết trong tủ lạnh?. Ảnh minh họa

Có nên loại bỏ lớp tuyết trong tủ lạnh?. Ảnh minh họa

Lớp tuyết này nếu để càng lâu mà không xử lý sẽ ngày càng dày lên. Từ đó làm cho khả năng làm lạnh giảm, hiệu suất thấp, diện tích tủ bị thu hẹp.

Nguyên nhân tủ lạnh bị đông tuyết

Thói quen cho thức ăn còn nóng vào tủ và thường xuyên mở tủ lạnh: Việc thường xuyên mở tủ lạnh và cho thức ăn còn nóng vào làm tăng hơi nước trong khoang tủ, khiến thiết bị không tập trung làm lạnh đúng chỗ. Lượng hơi nước được đưa vào tủ nói trên bị đóng thành tuyết.

Cánh tủ lạnh bị hở: Hơi nước từ ngoài lọt vào cũng là nguyên nhân tủ lạnh bị đông tuyết.

Không thường xuyên vệ sinh tủ lạnh: Nếu bạn không vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, thức ăn, chất bẩn, dầu mỡ rơi vãi khiến bánh răng bị bào mòn hoặc mắc kẹt, quá trình truyền nhiệt giảm mạnh, từ đó khiến lớp tuyết dày lên.

Timer - rơ le xả đá bị hỏng: Ở hầu hết tủ lạnh, timer được đặt ngay trong ngăn để rau củ quả hoặc nằm sau lưng tủ lạnh, trong phần hộp điện kế bên compressor (máy nén). Nhiệm vụ của nó là chuyển mạch ngắt compressor sang chế độ xả đá. Khi bộ phận quan trọng này bị hỏng, quá trình xả đá sẽ tạm dừng. Cuộn mô tơ bị cháy khiến cho đá bị đóng cứng trong tủ lạnh, tạo thành các lớp tuyết.

Sò lạnh - âm tủ lạnh không thông mạch, cầu chì điện bị đứt cũng là nguyên nhân tủ lạnh bị đông tuyết.

Tác hại của việc tủ lạnh bị đóng tuyết

Hiện tượng tủ lạnh bị đóng tuyết sẽ gây ra các tác hại như:

Thu hẹp không gian tủ lạnh gây khó chịu trong quá trình lưu trữ và bảo quản thực phẩm cho người dùng.

Giảm hiệu suất làm lạnh gây hư hỏng cho thực phẩm bảo quản ở ngăn mát bên dưới.

Phát ra tiếng ồn từ quạt gió tủ lạnh gây khó chịu cho người dùng.

Tiêu thụ nhiều điện năng nhưng khiến tiền điện cuối tháng tăng.

Có nên cạy bỏ lớp tuyết trong tủ lạnh?

Với những nguyên nhân và tác hại kể trên, việc lấy lớp đông tuyết này ra là điều cần thiết và nên thực hiện càng sớm càng tốt để phát huy công dụng vốn có của tủ lạnh, tăng hiệu quả bảo quản thức ăn và giảm điện năng tiêu thụ.

Cách khắc phục tủ lạnh bị đóng tuyết đơn giản, hiệu quả

Khi tủ lạnh đóng tuyết, quý khách hàng có thể thực hiện các thao tác sau để khắc phục.

Bước 1: Ngắt nguồn điện tủ lạnh để đảm bảo an toàn trong quá trình sửa tủ lạnh.

Bước 2: Lấy hết thực phẩm trong tủ lạnh ra ngoài và đặt vào một nơi thoáng mát, khô ráo trong nhà. Tốt nhất, nên gói đồ ăn bằng túi giữ nhiệt để thức ăn không bị hư hỏng.

Bước 3: Lấy các khay đựng đá và khay đựng thức ăn ra khỏi tủ. Bước này người dùng nên thực hiện cẩn thận để tránh rơi vỡ.

Bước 4: Quấn vải hoặc giấy khô xung quanh tủ lạnh để ngăn nước chảy xuống sàn. Nước sẽ chảy ra ngăn đá hoặc ngăn mát tủ lạnh bị đóng tuyết.

Bước 5: Mở cửa tủ lạnh để tuyết trên ngăn đá tan ra. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể để một ca nước nóng để bên trong tủ lạnh. Cách làm này sẽ giúp đá tuyết nhanh tan hơn.

Bước 6: Dùng khăn mềm lau sạch nước và chất bẩn trong tủ lạnh. Những khay đựng đá và thức ăn cũng cần được vệ sinh sạch sẽ.

Bước 7: Lau sạch tủ lạnh bằng khăn khô. Chú ý không làm ảnh hưởng đến phần đệm mút bằng cao su ở cửa tủ lạnh.

Bước 8: Đặt khay và thực phẩm vào vị trí cũ và cắm điện để tủ hoạt động bình thường.

Mẹo hạn chế đóng tuyết khi sử dụng tủ

Sau khi tìm hiểu những nguyên nhân cũng như một số mẹo hay để xử lý việc đóng tuyết, bạn cần lưu ý các vấn đề sau để hạn chế tình trạng đóng tuyết khi sử dụng tủ lạnh:

Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp: Không nên cài đặt nhiệt độ quá lạnh, hoặc quá yếu sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo quản thực phẩm cũng như xuất hiện tình trạng đóng tuyết. Cài đặt nhiệt độ ngăn mát từ 3 - 5 độ C, ngăn đông khoảng - 18 độ C.

Vệ sinh, xả đá tủ lạnh thường xuyên: giúp cho luồng khí lạnh lưu thông đều khắp bên trong tủ và thực phẩm bảo quản được tốt hơn.

Bảo trì tủ lạnh theo định kì: Việc bảo trì tủ lạnh theo định kì 3 - 4 tháng/1 lần sẽ giúp cho hệ thống làm lạnh của tủ được hoạt động bình thường.

Giang Thu (T/H)