Khoa học & Công nghệ

Có nên lắp thanh điện trở cho bình nước nóng năng lượng mặt trời?

  • Tác giả : Hiền Dung
(khoahocdoisong.vn) - Để làm nóng nước vào mùa đông, các gia đình đang sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời có nên lắp thêm thiết bị phụ trợ là bộ lắp thanh điện trở để tiết kiệm điện?

Lắp đặt không khó

Ở miền Bắc, ngoài yếu tố thời tiết lạnh, vào mùa đông ít nắng nên bình nước nóng năng lượng mặt trời không phát huy được hiệu quả cao. Thậm chí, nhiều gia đình vào những thời điểm không thể sử dụng bình do nước quá lạnh, không khác gì nước chảy ra từ vòi.

Để khắc phục tình trạng này, 100% các hộ hiện đang sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời lắp thêm các bình nóng lạnh. Tùy vào điều kiện, họ có thể lắp ở các vị trí tiêu thụ như nhà vệ sinh, bếp…

Đánh giá về việc lắp thêm các thiết bị này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cách làm này sẽ làm tăng đầu tư ban đầu, hệ thống nước nóng phức tạp và tiền điện cũng không giảm nhiều.

TS Nguyễn Mạnh Cường, giảng viên Đại học quốc gia TPHCM cũng cho rằng, lắp thêm bình nóng lạnh khi đã có bình nước nóng năng lượng mặt trời ở miền Bắc là cách làm phức tạp hóa vấn đề và không tiết kiệm.

Theo đó, các chuyên gia đều đồng tình với việc lắp thêm một thiết bị gia nhiệt phụ trợ trực tiếp với máy nước nóng năng lượng mặt trời.

"Khi trời âm u, bình năng lượng mặt trời không thể làm nóng nước. Lúc này, điện trở sẽ trở thành một bình nước nóng gián tiếp - như một bình nước nóng chạy điện bình thường. Lưu ý, bạn chỉ cấp điện cho điện trở khi bức xạ mặt trời không đủ để gia nhiệt mà bạn vẫn muốn dùng nước nóng. Nếu sử dụng thiết bị này, vào mùa đông, bạn vẫn có thể tiết kiệm được 70% tiền điện so với dùng bình nóng lạnh chạy điện", TS Mạnh Cường cho hay.

Để lắp đặt thiết bị phụ trợ này không khó. Hiện có thể mua tại các cửa hàng bán bình nước nóng năng lượng mặt trời hoặc các thiết bị điện. Bản thân bình bảo ôn nước nóng năng lượng mặt trời đã được thiết kế lỗ chờ vừa kích thước cùng thiết bị này.

Theo đó, khi lắp, thợ chỉ cần mở nắp chờ trên bình bảo ôn, đặt thanh điện trở vào và cái đặt các chế độ, kéo nguồn điện cho phù hợp mức sử dụng.

Cài đặt chế độ và nhiệt độ chủ động

GS.TS Nguyễn Đức Lợi phân tích, để đảm bảo có nước nóng khi không có bức xạ mặt trời, cách đơn giản nhất và rẻ tiền nhất là lắp thanh điện trở cho bình nước nóng năng lượng mặt trời. Để giảm tổn thất nhiệt cho bình, cần đặt nhiệt độ ngắt thanh điện trở thấp khoảng 40 đến 50oC. Các đường ống nước nóng từ bình xuống hộ tiêu thụ như phòng tắm, bếp cần được bảo ôn cẩn thận.

Ngoài ra, cần phải lắp kèm thiết bị an toàn chống giật. Để an toàn hơn thì phải ngắt điện trở trước khi sử dụng nước nóng.

Tương tự, một giải pháp khác là dùng bình năng lượng mặt trời kết hợp bơm nhiệt. Tức, lắp một bơm nhiệt đun nước nóng nối tiếp vào bình năng lượng mặt trời. Khi không có năng lượng mặt trời, bơm nhiệt làm nhiệm vụ đun nước. Bơm nhiệt tiết kiệm điện hơn (có thể tiết kiệm đến 60-70% điện năng) nhưng đầu tư ban đầu rất tốn kém.

Các chuyên gia đều đồng tình, vì bình nước nóng năng lượng mặt trời được bảo ôn tốt nên khi sử dụng thanh điện trở cũng sẽ giúp giữ nước nóng lâu không khác gì bình nóng lạnh. Việc làm nóng cả bình nước năng lượng mặt trời cũng ngang với một bình nóng lạnh lắp đặt tại chỗ. Vì thế, không sợ lãng phí nước nóng khi chưa dùng đến. Riêng những ngày ánh nắng yếu, nhiệt độ nước vốn đã ấm, nay đun bằng thanh điện trở sẽ nhanh nóng, tiết kiệm điện hơn.

Hiền Dung