Không nên để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh |
Để lâu trong tủ lạnh, thực phẩm giảm hàm lượng dinh dưỡng
Bảo quản thực phẩm là để giữ được chất lượng thực phẩm tự nhiên như ban đầu, không bị hư hỏng, nhiễm bẩn, biến chất trong thời hạn bảo quản. Mục tiêu cụ thể của bảo quản thực phẩm là bảo vệ thực phẩm không bị ô nhiễm bởi vi sinh vật, hóa chất và mối nguy vật lý. Vì vi sinh vật luôn có trong thực phẩm, do vậy để bảo quản thực phẩm an toàn phải tiêu diệt và ngăn cản sự hoạt động của các loại vi khuẩn, nấm mốc, nấm men và đề phòng sự phát triển sinh sản của chúng trong thực phẩm.
Có nhiều phương pháp được sử dụng để bảo quản thực phẩm như sử dụng nhiệt độ cao, sử dụng nhiệt độ thấp, hút chân không, bảo quản với nồng độ pH thích hợp và lên men... Tuy nhiên, hiện nay phương pháp được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trong các gia đình là phương pháp bảo quản thực phẩm bằng cách sử dụng nhiệt độ thấp nhờ vào các thiết bị như tủ lạnh, tủ đông (Bảo quản lạnh thực phẩm và bảo quản lạnh đông thực phẩm).
Phương pháp bảo quản lạnh thực phẩm là phương pháp bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ không quá 5 độ C (bảo quản thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh) để ngăn cản và làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm, từ đó làm cho thực phẩm tươi lâu hơn. Để phương pháp bảo quản thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh đạt hiệu quả cao, cần lưu ý một số điểm sau: thực phẩm phải được bao gói kín (bằng bao nilon sạch, hộp có nắp đậy kín, màng bọc thực phẩm...) trước khi đưa vào trong tủ lạnh; Không để các hộp đựng thực phẩm không có nắp đậy chồng lên nhau; Không để thực phẩm đã chế biến dưới thực phẩm chưa chế biến để tránh ô nhiễm chéo;
Không để quá nhiều thực phẩm làm chật tủ lạnh gây cản trở việc lưu thông không khí trong tủ lạnh, dẫn đến thực phẩm không được làm lạnh nhanh và đồng đều dễ gây hư hỏng thực phẩm; Không để ngay thực phẩm vừa chế biến nóng vào tủ lạnh. Cần để thực phẩm nguội dần ở nhiệt độ phòng trong khoảng 15-20 phút trước khi cho vào tủ lạnh...
Ngoài ra, cũng cần lưu ý thực phẩm để trong tủ lạnh càng lâu thì càng giảm hàm lượng dinh dưỡng, thậm chí làm biến chất, sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe cho người sử dụng.
Bảo quản đông lạnh
Phương pháp đông lạnh được sử dụng phổ biến để bảo quản thực phẩm nhờ vào các thiết bị bảo quản như tủ lạnh, tủ đông... Phương pháp đông lạnh sử dụng nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C) khiến cho vi khuẩn, vi sinh vật không thể phát triển hay hoạt động. Với phương pháp này bạn có thể bảo quản các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá, thịt, hải sản... trong thời gian dài và giữ được hương vị đặc trưng.
Tuy nhiên, khi kết thúc quá trình bảo quản trong tủ lạnh bạn phải có phương pháp rã đông khoa học để không làm mất dưỡng chất của thực phẩm, có 4 cách rã đông thực phẩm như sau: rã đông ở trong tủ lạnh dưới nhiệt độ 5 độ C; ngâm ngập dưới vòi nước sạch ở nhiệt độ 21độ C hoặc thấp hơn; rã đông trong lò vi sóng nếu thực phẩm đó sẽ được chế biến ngay sau khi rã đông; nấu miếng thực phẩm như là một phần của quá trình chế biến, cho đến khi nhiệt độ bên trong của miếng thực phẩm đạt tới nhiệt độ thích hợp đủ tiêu diệt vi sinh vật.
Tùy vào điều kiện chế biến thực phẩm mà bà nội trợ có thể lựa chọn phương pháp rã đông phù hợp cho gia đình mình. Ngoài ra, trước khi lạnh đông thực phẩm, nên chia thực phẩm thành những phần nhỏ đủ dùng hết 1 lần cho bữa ăn của gia đình bạn vì thực phẩm đã rã đông thì nên dùng hết 1 lần, nếu cho tái đông 1 lần nữa thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ gia tăng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm sẽ hao hụt nhiều lần.