Chỉ tôm hay còn gọi là ruột tôm, nằm ở phía sau lưng tôm và là đường tiêu hóa của chúng. Do môi trường sống và thói quen kiếm ăn của tôm, cặn thức ăn chưa tiêu hóa và cặn lắng tạp chất có thể còn sót lại trong chỉ tôm. Đây cũng là lý do khiến nhiều người vẫn băn khoăn nghi ngờ về tính an toàn của chỉ tôm khi ăn.
Có nên ăn đường chỉ đen trên lưng tôm?. Ảnh minh họa |
Có nên ăn đường chỉ đen trên lưng tôm?
Theo các chuyên gia, cơ thể của tôm có thành hai phần, phần đầu và phần thân tôm. Đầu tôm là khoang rỗng có vỏ cứng, trong đó chứa các bộ phận chính của tôm như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và hệ hô hấp.
Hệ tiêu hóa của tôm gồm 2 bộ phận dạ dày và ruột. Dạ dày của tôm cũng nằm ngay trong khoang đầu, là nơi chứa thức ăn khi tôm kiếm mồi. Tôm là động vật ăn tạp. Thức ăn của tôm khá đa dạng gồm côn trùng, tảo, ấu trùng của ký sinh trùng (giun sán), xác động vật và thực vật thối rữa.
Như vậy dạ dày của tôm chứa nhiều chất rất bẩn, trứng ký sinh trùng và vi sinh vật có hại với sức khỏe của con người. Vì vậy cần phải loại bỏ dạ dày khi ăn tôm.
Bộ phận thứ 2 của hệ tiêu hóa là ruột. Ruột là đường ống nhỏ chạy dọc ở phần phía trên lưng tôm (chỉ đen). Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày, sẽ được đẩy chạy dọc theo ruột và chất thải và đi ra ở lỗ mở của ruột. Ruột tôm cũng là nơi chứa các chất bã thải thức ăn của hệ tiêu hóa.
Các chất trong đường ruột nằm dọc trên lưng tôm có vị đắng. Khi ăn, vị đắng này làm giảm vị ngon của thịt tôm. Như vậy, có thể khẳng định trên toàn tuyến tiêu hóa của tôm đều chứa các chất bẩn. Cần phải loại bỏ để đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ được giá trị cảm quan của thịt tôm.
Vậy làm thế nào để loại bỏ chỉ tôm?
Có 3 phương pháp bạn có thể loại bỏ chỉ tôm.
Dùng tăm
Dùng đầu nhọn của tăm thọc vào đốt thứ 2 phía lưng tôm sẽ dễ dàng lấy được chỉ tôm ra. Phương pháp này đơn giản nên ai cũng có thể làm được và phù hợp khi bạn nấu ăn tại nhà.
Dùng kéo
Dùng kéo cắt đầu tôm. Sau đó nhẹ nhàng mở lưng tôm ra rồi dùng tay hoặc nhíp rút chỉ tôm ra. Phương pháp này có vẻ hơi phức tạp hơn một chút nhưng về cơ bản nó sẽ giúp giữ nguyên vẹn được cấu trúc của tôm tốt hơn. Phương pháp này phù hợp cho các nhà hàng và những dịp bạn chế biến món ăn đãi khách, cần yếu tố thẩm mỹ.
Bóc vỏ sau đó rạch phần sống lưng
Sau khi bóc vỏ, đặt tôm lên thớt và dùng dao rạch một đường từ sát đầu tôm đến đuôi. Tiếp đó dùng mũi nhọn của dao dễ dàng lấy được chỉ tôm. Tuy nhiên với cách này thì không còn giữ được kết cấu nguyên vẹn của con tôm.