KINH TẾ

Cơ hội bứt tốc cho đường mía Việt Nam trong năm 2021

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Dự báo, lượng đường sản xuất của Việt Nam trong năm 2021 chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu Thái Lan được áp dụng. Giá đường vì thế sẽ được đẩy lên cao, các doanh nghiệp đường bội thu.

Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chu kỳ phục hồi của ngành sản xuất đường Việt Nam đã bị gián đoạn, quay trở lại mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, giá đường hồi phục rất nhanh sau đó. Giá đường trung bình năm 2020 vẫn cao hơn 9,6% so với năm 2019, trong khi giá mua mía tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức thấp, giúp các doanh nghiệp trong ngành gia tăng đáng kể biên lợi nhuận gộp.  Cạnh tranh với đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan trở nên gay gắt bắt đầu từ quý 2/2020, sau khi Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực kể từ đầu năm 2020.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan trong năm 2020 lên tới 1,3 triệu tấn, tăng 330% so với năm trước. Trong khi đó, đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan năm 2019 chỉ khoảng 157 nghìn tấn, chủ yếu là đường thô được nhập về để tinh luyện.

Bộ Công Thương sau quá trình điều tra đã đưa ra quyết định áp dụng tạm thời mức thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Cụ thế, áp thuế tự vệ ở mức 48,88% với đường tinh luyện và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan, có hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày 17/02/2021 và có khả năng áp dụng hồi tố 90 ngày (trước ngày 17/02/2021).

Khi mức thuế được áp dụng, chi phí nhập khẩu chính ngạch sẽ tăng khoảng 4.000-4.500đ/kg đối với đường RS/RE.

Đường lậu được kiểm soát tốt hơn trong năm, tuy không có thống kê cụ thể, song được ước tính đã giảm rất mạnh so với mức 800 nghìn tấn của năm 2019.

Ước tính nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3-5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021. Do vậy, nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu.

Nguồn cung đường trong nước thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện lợi nhuận.

Lưu ý rằng, lượng tồn kho giá thấp nhập khẩu từ Thái Lan từ cuối 2020 sẽ được bán mạnh ra thị trường trong quý 1/2021 và cạnh tranh về giá bán với đường nội địa trong ngắn hạn. Hơn nữa, thời gian áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá không đủ dài.

Vì vậy, các nhà máy đường vẫn cần có chiến lược dài hơi và phù hợp để cạnh tranh với đường Thái Lan, tránh phải thua ngay trên sân nhà.

Minh Lâm