Bộ phận thường sử dụng là lá và thân. Trong cỏ bợ có nước 84,2%, protid 4,6%, glucid 1,6%, caroten 0,72%, vitamin C 76mg% và cyclolaudenol. Cỏ bợ nấu canh cua, canh tép... là món ăn phổ biến ở nhiều vùng. Cỏ bợ có vị chua, tính mát nên giúp thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu sưng, thông tiểu tiện, chữa trị sỏi thận, viêm đường tiết niệu, tiểu buốt tiểu rắt, khí hư bạch đới, mất ngủ.
Để chữa bí tiểu, tiểu rắt, dùng cỏ bợ tươi 20 - 30g hoặc cỏ khô 10 - 15g sắc nước uống thay nước trong ngày. Cách này rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả nhanh chóng và an toàn. Để hỗ trợ trị tiểu đường, dùng cỏ bợ và thiên hoa phấn, mỗi vị 10 - 15g, sắc nước uống thay nước trong ngày. Cách này có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh tiểu đường và ngăn bệnh phát triển. Những người sưng lở, nổi mẩn do nhiệt có thể dùng một nắm rau bợ tươi giã nát, vắt lấy nước bôi lên vùng da bệnh. Để chữa mất ngủ lấy rau bợ 30 - 50g, lá vông non 20g, tất cả đem nấu canh ăn 5 - 7 ngày. Bài thuốc có tác dụng nâng cao chính khí, an thần gây ngủ, thư giãn thần kinh, nhuận tràng. Để chế biến món canh rau bợ cua đồng lấy cỏ bợ 200 - 300g rửa sạch, thái nhỏ, cua đồng 200g đem sơ chế, giã lọc lấy nước cốt. Tất cả đem nấu canh ăn hằng ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, an thần, bồi bổ cơ thể, kích thích quá trình tổng hợp, phát triển, tái tạo tế bào xương, tốt cho những người gãy xương, loãng xương, trẻ em còi xương, thiếu canxi, mới ốm dậy, suy nhược cơ thể.
Cỏ bợ trị được nhiều bệnh nhưng vì cỏ bợ có tính hàn nên những người bị khó tiêu, tiêu chảy, lạnh bụng không nên dùng.
Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội)