Độc đáo đình Đô
Đình Phú Đô là một di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội. Xưa, nhiều người thường gọi tắt là đình Đô, có thể là ý sánh với đền Đô xứ Kinh Bắc. Vẻ đẹp và thiêng ấy của ngôi đình cổ đã được nhiều nhà nghiên cứu hết lời ca ngợi. Trong một không gian thuần nhất của làng quê, đình Phú Đô tọa lạc tựa bóng thiền nhân.
Thế nhưng, khi làng lên phố, xã lên phường thì không gian cũng đặc quánh những nhà tầng “bụng chửa bụng thóp, mái nổi mái chìm” dập dềnh cao thấp phá vỡ không gian làng quê. Hiển nhiên, đình làng cũng như phải chịu áp lực, lọt thỏm và lạc lõng giữa phố thị.
- Đình Phú Đô.
Nhưng bỏ qua những cao thấp xung quanh, vẫn thấy một vẻ đẹp. Đình thiết kế hài hòa, ngoài cùng là bình phong hình cuốn thư, qua một sân nhỏ tới tam quan, rồi tới phương đình chồng diêm hai tầng mái, tạo thành hình bát giác. Trước cửa phương đình treo bức đại tự “Tam thiên lưỡng địa”, tức ba thánh bà.
Đại đình có năm gian, 2 dĩ lợp ngói ta, 6 bộ vì kèo kiểu thượng rường hạ bẩy, mái thượng tam hạ tứ. Hậu cung nối với gian giữa đại đình kiểu chữ đinh, trên treo bức đại tự “Nhật Nguyệt hợp minh”. Phải tận mắt thấy những phù điêu chạm nổi khắc chìm mới thấy những hiệp thợ mộc, thợ ngõa xưa là hoa tay tài nghệ.
Kính cẩn cúi đầu tiến vào trong hậu cung là nơi thánh thiêng cấm kỵ. Nơi ấy đặt ngai thờ Lý Thiên Bảo ở chính giữa, bên phải thờ Thánh Cả, Đinh Dự. Bên trái đặt ngai thờ hai thánh bà.
Cụ Nguyễn Tiến Nghĩa, Thủ từ đình Phú Đô cho biết: Đình còn lưu giữ được 2 cuốn thần phả, 12 đạo sắc phong. Các đồ thờ tự có một bộ bát bửu 10 chiếc cùng hương án, long ngai, đại tự, câu đối, kiệu bành, long đình, chuông đồng. Đặc biệt, các kiệu bành dùng rước thánh ngày hội lễ rất đẹp, tục gọi là “kiệu bay”.
Thờ anh trai vua
Cụ Nguyễn Tiến Nghĩa cho hay: Thần phả của đình nêu rõ là thờ Thành hoàng làng Lã Nam Đế Đại vương Lý Thiên Bảo. Cùng với đó là phụ thờ tướng Đinh Lễ cùng Đinh Dự và vợ là Mãn Đường Hoa – hai tổ sư của nghề ca trù.
Ngoài ra, đình còn thờ hai bà hoàng người làng Phú Đô là Nguyễn Thị An – Hoàng hậu vua Lê Anh Tông cùng Nguyễn Thị Phương là Nguyên phi. Sau cùng là thờ ông Hồ Nguyên Thơ – Tổ nghề bún của Phú Đô. Như vậy, đình Phú Đô không chỉ thờ một vị Thành hoàng mà có tới 7 vị khác nhau.
Đình Phú Đô thờ 7 vị Thành hoàng.
Lý Thiên Bảo chính là anh trai của vua Lý Nam Đế. Năm 546, Lý Nam Đế phản công quân Lương ở hồ Điển Triệt bị Trần Bá Tiên đánh bại. Lý Nam Đế rút về động Khuất Lạo. Lý Thiên Bảo và viên tướng cùng họ là Lý Phật Tử mang 3 vạn quân vào đánh Đức Châu (Nghệ An), giết chết thứ sử nhà Lương là Trần Văn Giới.
Trần Bá Tiên mang quân vào đuổi đánh, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử thua trận, bèn thu nhặt quân chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao. Thấy động Dã Năng ở đầu nguôn Đào Giang, đất phẳng rộng màu mỡ có thể ở được mới đắp thành, nhân tên đất ấy mà đặt quốc hiệu là Dã Năng.
“Để tỏ lòng biết ơn công lao của 7 vị Thành hoàng làng, cứ 5 năm chúng tôi lại tổ chức rước Thánh từ mùng 8 đến mùng 9 Tết âm lịch. Lễ rước lớn được tiến hành từ đình làng xuống bãi Tế Yến. “Kiệu bay” là nét đặc sắc của lễ hội Phú Đô”.
— cụ Nguyễn Tiến Nghĩa, Thủ từ đình Phú Đô —
Lý Nam Đế mất ở Khuất Lạo trao lại binh quyền cho tướng Triệu Quang Phục. Trong khi Phục cầm binh chống Trần Bá Tiên, Lý Thiên Bảo cố thủ ở Dã Năng thuộc Ai Lao. Năm 550, ông được nhân dân trong vùng tôn làm chúa, tự xưng là Đào Lang Vương. 5 năm sau, Đào Lang Vương mất không có con nối.
Thành hoàng làng thứ hai của Phú Đô là Đinh Lễ. Ông là công thần khai quốc nhà Lê Sơ, người Thùy Cối, nay là Lam Sơn (Thanh Hóa). Ông tham gia nghĩa quân từ buổi ban đầu, lập nhiều công lao, với chiến tích ở trận Tốt Động, Chúc Động được sử gia Ngô Sỹ Liên đánh giá cùng với Lý Triện là những vị tướng giỏi nhất của nghĩa quân Lam Sơn. Đinh Lễ cũng là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu.
Tổ nghề ca trù
Các cao niên làng Phú Đô còn bật mí, làng không chỉ nổi tiếng với nghề làm bún mà còn từng là làng ca trù. Bởi vậy, khách xa đến làng không nên lạ khi thấy hai vợ chồng tổ ca trù được thờ làm Thành hoàng.
Còn theo nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng, thì tất cả các làng có nghề hát ca trù đều thờ vợ chồng tổ nghề là Đinh Dự và Mãn Đường Hoa công chúa. Bản thần tích do Đông Các Đại học sĩ Đào Cử vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn năm Hồng Đức thứ 7 năm 1476, ghi:
“Về đời vua Lê Thái Tổ có người họ Đinh tên Lễ, người động Hoa Lư, huyện An Khánh, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hoa (tức Thanh Hoa ngoại trấn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình – PV) theo vua Lê dấy nghĩa ở Lam Sơn.
- “Kiệu bay” là nét đặc sắc trong lễ hội Phú Đô.
Vợ ông là Trần Thị Minh Châu, vốn dòng thi lễ, một đêm nằm mơ thấy con rắn xanh lọt vào lòng, rồi mang thai. Đến ngày mồng sáu tháng tư năm Quý Tỵ 1413 sinh một trai diện mạo khôi ngô đặt tên là Đinh Dự. Khi Đinh Lễ đem quân đánh giặc Minh đã dựng đồn trại ở lang Lỗ Khê, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc.
Đinh Dự học vấn tinh thông, cầm kỳ thi họa hơn người. Một hôm Đinh Dự đến chỗ cha đóng quân, thăm chùa Thiên Thai gặp thiếu nữ Đường Hoa sắc đẹp như tiên. Hai người kết duyên chồng vợ. Có lần vua mắc bệnh nặng, hai vợ chồng đến đàn hát cho vua nghe, vua khỏi bệnh nên phong cho chức tước cùng bốn chữ “Sinh từ tự điển”, nghĩa là “được thờ khi còn sống”.
Cụ Nguyễn Tiến Nghĩa cho biết thêm: Phú Đô còn thờ hai bà chúa có công chấn chỉnh giáo phường Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Thị An con gái ông Nguyễn Duy Tình người làng. Hai cô vốn xinh đẹp, hát hay. Một hôm cô Phương vào vùng “Thập tam trại” trong thành Thăng Long cắt cỏ, tình cờ gặp một vị hoàng thân trong triều Lê và kết làm vợ chồng.
Sau này vị hoàng thân lên ngôi, là vua Lê Anh Tông. Bà Phương được phong là Hoàng hậu, bà em làm Nguyên phi. Hai người trở về làng dạy trai gái trong dòng họ Nguyễn hát ca trù.
Còn một vị Thành hoàng nữa của làng Phú Đô là tổ nghề làm bún tên là Hồ Nguyên Thơ. Tuy nhiên, không ai rõ ông sống ở thời nào, công tích sự nghiệp ra sao.
Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng khẳng định, người sáng lập hay gây dựng nên một nghề hoặc là người thứ nhất đem nghề ở nơi khác truyền lại cho dân chúng được người đời sau tôn thờ như bậc thánh. Như vậy, ông Hồ Nguyên Thơ có thể là người đưa nghề bún về làng Phú Đô.
Trần Hòa