Đất gạo tiến vua
Ông Trần Văn San, Thủ từ đình Mễ Trì Thượng cho biết, xưa kia vùng Mễ Trì chủ yếu là đồng ruộng trũng, ven bờ đầm trước cổng làng có gò đất trông như con rùa đang bò từ dưới nước lên cạn, thế phong thủy phát đạt. Thời Lý, gò đất này được gọi là Quy Sơn, tức núi Rùa. Cũng có người gọi là núi Anh.
- Đình cổ Mễ Trì Thượng.
Sở dĩ, làng có tên là Mễ Trì vì từng có giống gạo tám thơm ngon được chọn để tiến vua, cho nên vua đã đặt tên là làng Mễ Trì, còn có nghĩa là Ao Gạo. Đến đầu thời Nguyễn, dân cư càng đông đúc nên Mễ Trì chia làm hai thôn Thượng và Hạ.
Mễ Trì còn là nơi in đậm dấu ấn lịch sử. Năm 1426, tướng quân Lê Thụ chỉ huy một cánh quân Lam Sơn đóng tại đây và lập đài quan sát trên núi Anh, sau đó đã chặn đánh quân xâm lược Minh do Phương Chính chỉ huy, buộc chúng phải tháo chạy về thành Đông Quan.
Trong chiến dịch này, làng Mễ Trì Thượng có ông Nguyễn Tiến theo Lê Thụ đánh giặc, lập được nhiều công nên về sau được thăng chức Ngự tiền Đô chỉ huy sứ. Đến mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), một cánh quân của Đô đốc Long cũng đóng tại đồng Đầm, dựng đài quan sát trên núi Anh rồi bất ngờ đánh ra đồn Khương Thượng.
- Mễ Trì Thượng thờ đức Cao Sơn, Quý Minh và Lý Bí làm Thành hoàng.
Hai làng Mễ Trì Thượng – Hạ xưa có chung ngôi đình ở đầu phía Bắc đầm Đại. Đình thờ Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền là hai trong số 50 người con theo Lạc Long Quân đi ra biển cả. Về sau, đình bị đổ nát nên hai làng dựng đình riêng. Đình Mễ Trì Hạ thờ Lý Lữ – tướng của Lê Đại Hành, đình Mễ Trì Thượng phụ thờ Diêm Lý Phật Tử.
“Đình Mễ Trì Thượng là một trong những đình cổ kính, có kiến trúc độc đáo và mực thước. Đình lại giữ được nhiều đồ cúng tế, thần phả, sắc phong là những di sản cần bảo vệ và giữ gìn cho mai sau”
— Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng —
Tam vị đại vương
Ông Trần Văn San cũng như các cao niên trong làng Mễ Trì Thượng, cho biết: Đình hiện thờ 3 Thành hoàng làng, nhưng thực ra là 4 vị thì mới đầy đủ và đúng nghĩa theo như thần phả còn giữ lại. Tuy nhiên, ông cũng như các cao niên khác cũng không thể rõ nguồn gốc, xuất thân và công tích của các Thành hoàng.
Trong số đó có thần Quý Minh đại vương. Theo cách giải thích của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Minh Hồng, thì hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh thường là những hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức em của Hùng Vương. Tuy nhiên, khác với hai vị thần núi kia được thờ ở những vùng núi cao, thần Quý Minh thường được coi là vị thổ thần, thủy thần và thờ phụng ở những vùng trũng hoặc đồng bằng.
- Áo tế ngày lễ hội Mễ Trì Thượng.
Thần tích đình làng Ích Vịnh, xã Phương Đình (Đan Phượng) lại cho rằng: Hùng Duệ Vương khi bị quân nhà Thục từ Ai Lao tiến đánh, định cướp ngôi. Ba anh em Sơn thánh vâng lệnh nhà vua, quyết phá tan quân Thục. Quý Minh xuất quân qua đất Phấn Lôi chiêu mộ thêm quân sĩ, phá tan giặc nhà Thục.
Sau ông được phong là Quý Minh đại vương. Ông xin trở lại Phấn Lôi lập ấp. Rồi một ngày kia, Quý Minh đang đi du ngoạn trên núi Tản Viên, bỗng gió mưa, sấm chớp nổi lên, đất trời u ám. Một tiếng vọng lớn từ vách núi: “Nay triệu Quý Minh về cõi thọ/Cùng lên Thiên giới họp quân thần”. Quý Minh hóa ngay thành mây gió.
“Trên thực tế Cao Sơn, Quý Minh được các thần tích ghi chép lại và được truyền thuyết hoá rất nhiều nơi với những dạng thức khác nhau như được ghi chép dưới dạng thần tích khi họ hiện lên báo mộng, phù trợ giúp các tướng lĩnh đời sau đánh giặc ngoại xâm”, ông Hoàng Minh Hồng cho biết.
- Ông Trần Văn San, Thủ từ đình Mễ Trì Thượng.
Vị Thành hoàng thờ phụ của đình Mễ Trì Thượng chính là Lý Bí. Vào tháng giêng năm Nhâm tuất 542 Lý Bí khởi binh tấn công giặc nhà Lương do Thứ sử Tiêu Tu cầm đầu, quân giặc bị thất bại liên tiếp phải đầu hàng và rút quân về nước, không đầy 3 tháng nghĩa quân đã chiếm được hầu hết các đồn trú và thành Long Biên.
Đầu năm Quí Dậu 543 sau công nguyên vua nhà Lương lại huy động binh mã sang xâm lược nước ta một lần nữa cũng bị quân ta chặn đánh tại bán đảo Hợp Phố miền cực bắc Châu Giao. Tháng hai năm sau, Lý Bôn lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân.
Lịch triều phong tặng người anh hùng dân tộc “Diêm La Thiên Tử Đại Vương” hiệu Phổ Tế Thượng Sỹ, tức Đức Thánh Cả. Là người có công lớn lập nên đất trời phương Nam độc lập, khởi nghiệp triều Lý, được nhân dân truyền tụng, bức hoành phi có ghi bốn chữ “Lý triều hiển Thánh”.
Sở dĩ, làng Mễ Trì Thượng thờ phụ thêm Lý Bí làm Thành hoàng vì liên quan đến một truyền thuyết. Ấy là vào năm Tân Dậu 961 xảy ra trận đại hồng thủy, người dân nơi đây chỉ còn cách kéo vó kiếm cá sinh nhai. Vào ngày nước rút, nhân dân vác vó ra đồng kiếm cá, có 3 cụ ở 3 thôn Mễ Trì, Nhân Mỹ và Đình Thôn cùng kéo vó. Kéo suốt từ chiều tối đến gần sáng mà chẳng được con cá nào, 3 cụ đều chán ngán rủ nhau ra về.
- Đình Mễ Trì Thượng nép mình dưới những tán cây cổ thụ.
Bỗng nhiên một cụ nhìn thấy mảnh gỗ phát ánh sáng đang trôi ngược dòng nước, cụ bèn vớt lên lẩm nhẩm: “Chúng con là người dân lam lũ nay đi kéo vó kiếm cá, nếu có linh thiêng xin được phù hộ cho con kéo đầy giỏ”.
Lời thỉnh cầu của cụ được ứng đáp, quả nhiên kéo chẳng bao lâu được đầy giỏ cá. Tiếng cá quẫy trong giỏ làm hai cụ kế bên nóng lòng và hỏi thăm cụ, cụ chỉ bảo và họ cũng đến bên mảnh ván trên gò cao mà khấn rằng: “Ngài đã thương thì thương cho chót ông cụ thôn Đỗ (Đình Thôn) khấn chúng con xin được phụng thờ mãi mãi, ông cụ thôn Đỗ Trang (Nhân Mỹ) chúng con xin tiến cúng bát hương để thờ cúng Ngài”.
Thế rồi chẳng bao lâu 2 cụ cũng kéo được đầy giỏ cá. Tin loan ra dân chúng thấy điều kỳ diệu nô nức đến xem, xem kỹ thì ra mảnh gỗ ván đó là bài vị có đề chữ “Lý triều Đại Vương tức Diêm La Thiên Tử”. Nhân dân bèn lập miếu thờ ,quanh năm hương khói. Từ đấy cứ đến ngày mồng bẩy tháng giêng Âm lịch hàng năm cả 3 thôn đều mở hội tế rước Ngài về phối thờ tại đình làng.
Cổ – quý – đẹp
Ông Trần Đình San, Thủ từ đình Mễ Trì Thượng, cho biết: Cho đến nay, đình còn giữ được 13 đạo sắc phong thời Nguyễn, sớm nhất là năm 1821, muộn nhất là năm 1924 phong cho các vị thần Thành hoàng làng. Các sắc phong được bảo quản như báu vật nên vẫn rõ chữ dấu triện.
- Theo truyền thuyết, tuy là vua nhưng Lý Nam Đế hiển thánh giúp dân bắt cá.
Đình có kiến trúc hình chữ Đinh. Cổng đình vòm cuốn mái chồng diêm có hổ phù đội Mặt trời lửa, hình rồng cuốn thuỷ chầu Mặt trời, tứ quý, tùng, điểu, hoa lá, ngựa thờ. Đại đình 7 gian, trang trí hổ phù đội Mặt trời 7 tia lửa, rồng uốn khúc vân mây, nghê, long, ly, quy, phụng. Vì kèo chồng rường giá chiêng, cửa bức bàn mang phong cách thế kỉ XIX. Gian cuối cùng của hậu cung là cung cấm.
Di vật đình Mễ Trì Thượng khá phong phú gồm cuốn thần phả, các đạo sắc phong thời Nguyễn, 6 bức hoành phi, 9 đôi câu đối, 2 bộ cửa võng, 1 quán tẩy, 3 bộ kiệu giá ngự, long đình, nhang án, bộ bát bửu, sập thờ, đồ rước, bia hậu. Tất cả đều có niên đại vào thế kỉ XIX.
(Còn nữa)
Trần Hòa