Thư sinh Thủy thần
Từ xa xưa, dân các làng là Bằng Liệt, Tứ Kì, Tựu Liệt, Đại Từ, Linh Đàm, Hữu Thanh Oai và Lê Xá thờ chung một Thành hoàng làng. “Tổng hành dinh” của Thành hoàng làng không nằm trong đình mà trong một ngôi miếu ven hồ Linh Đàm có tên là Gàn thuộc địa phận xã Hoàng Liệt (Thanh Trì).
- Miếu Gàn được coi là “tổng hành dinh” thờ Bảo Ninh Vương.
Ông Nguyễn Duy Xây, Thủ từ miếu Gàn cho biết: Tài liệu sớm nhất nhắc đến thần tích của 7 làng thờ chung Thành hoàng là “Lĩnh Nam chích quái”. Sách này đã gọi địa danh hồ Linh Đàm là Lân Đàm và viết như sau: “Thần Lân Đàm chính là thần rồng. Xưa thần thường hoá thành người để tìm thầy học đạo.
Thầy học lấy làm lạ bèn tìm ra chỗ ở của thần, thấy thần náu trong chằm. Thầy học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng: Năm nay trên Thiên đình ngừng việc làm mưa, thầy học cố nài thần làm ra mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời.
Sau trong chằm có biến động, thầy học tới thăm chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng đế cho là việc đã bị tiết lộ nên bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thầy học thu về an táng, nhân dân đặt tên là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm”.
Chống lệnh Trời
Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính có ghi chép khá tỉ mỉ về tích này như sau: “Vào thời nhà Trần có danh nho tên là Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan, ông trở về quê hương mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Bảo Ninh Vương được 7 làng lập làm Thành hoàng làng.
Trong số học trò của thầy có một thư sinh rất chăm đến nghe thầy giảng nhưng không rõ tung tích. Thầy cho trò lần tìm mới hay thư sinh đó học xong thường đi ra đám lau sậy bên bờ đầm Lân Đàm thì mất tích. Chu Văn An biết đó là thuỷ thần.
Thời ấy, phải năm đại hạn, dân tình đói khổ, Chu Văn An liền gọi chàng thư sinh là thủy thần đến bảo có cách gì cứu dân. Chàng thư sinh suy nghĩ trong chốc lát rồi lấy nghiên bút ra đổ nước mài mực và dùng bút thấm mực vẩy ra khắp bốn phương.
Mực son vung lên trời thành sấm chớp. Mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến và mưa tầm tã, nước đen như mực. Sau một tuần mưa, chàng thư sinh từ trường vội đi về bờ đầm, bỗng trên trời có tiếng nổ lớn. Thầy trò ra đầm thì thấy có một xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An cùng học trò và dân chúng trong vùng mai táng xác thuồng luồng. Nay mộ đức thánh Bảo Ninh vẫn còn ở đó”.
Cách miếu Gàn rất xa còn có Đầm Mực thuộc làng Quỳnh Đô, tục truyền chính là nước mưa đen như mực hôm đó tạo thành. Còn mộ của Bảo Ninh Vương hiện nay vẫn được bảo lưu tại khu đất Cầu Bươu, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
7 làng nhớ ơn
Ông Nguyễn Duy Xây cho hay, 7 làng thờ Bảo Ninh Vương làm Thành hoàng, gồm: Bằng Liệt, Tứ Kì, Tựu Liệt, Đại Từ, Linh Đàm, Hữu Thanh Oai và Lê Xá. Trong đó, làng Linh Đàm là gần gũi “tổng hành dinh” của Đức Thánh hơn cả.
- Miếu Gàn từng là nơi Chu Văn An mở lớp dạy học.
Đình Linh Đàm hiện nằm trên một khu đất cao trông ra hồ sen và đầm nước rộng. Toà đại đình 5 gian, bờ nóc đắp hình hai con rồng chầu mặt trời. Trước tường hồi đại đình là hai cột trụ, đỉnh trụ đắp hình bốn con chim phượng kết hình trái giành. Trước cửa chính đại đình có gắn hai con rồng đá. Phần trang trí bên trong là những mảng chạm vân mây, hoa lá. Phía sau đại đình là hậu cung ba gian, được xây thành hình chữ công.
Trong hậu cung xây bệ cao trên đặt nhiều đồ thờ tự như hia, mũ, áo, long ngai, bài vị trong một cái khám chạm trổ tinh xảo. Đình Linh Đàm hiện còn bảo lưu nhiều hiện vật như cuốn Thần phả soạn vào năm 1592 cùng 15 đạo sắc phong, 2 tấm bia đá, một bức cửa võng, 2 hoành phi, 2 bức cuốn thư.
Còn “tổng hành dinh” thờ Bảo Ninh Vương chính là miếu Gàn là một di tích đặc sắc không chỉ của xã Hoàng Liệt mà còn là của cả Việt Nam. Ngay cả cái tên của ngôi miếu đã gợi ra tính chất đặc biệt.
- Ông Nguyễn Duy Xây, Thủ từ miếu Gàn cho biết Bảo Ninh Vương là học trò cụ Chu Văn An.
Theo ông Xây, chữ Gàn không phải là gàn dở hay can ngăn. Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì khẳng định, chữ Gàn trong miếu Gàn chính là chữ Kan hay Ikan có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, nghĩa là cá.
Như vậy có cơ sở để cho rằng Miếu Gàn có gốc tích từ thời xưa. Thời điểm đó có thể là khoảng đầu công nguyên, khi mà trong văn hoá Việt Nam còn chưa chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá Trung Quốc, đó là tín ngưỡng thuỷ thần.
Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương thì từ xưa, các làng Bằng Liệt, Tứ Kì, Tựu Liệt, Đại Từ, Linh Đàm, Hữu Thanh Oai và Lê Xá đều thờ chung vị thuỷ thần hồ Linh Đàm với hình tượng ban đầu là cá, chuyển hoá dần thành rồng.
- Làng Đại Từ là 1 trong 7 làng thờ Bảo Ninh Vương.
Sở dĩ có hiện tượng trên là do thần tích khi Bảo Ninh Vương bị trời phạt, ông đã vung bút nghiên lên trời. Chỗ nghiên mực bị ném xuống biến thành cái đầm nước đen ngòm gọi là Đầm Mực làng Quỳnh Đô. Còn quản bút thì rơi xuống làng Tả Thanh Oai, hay còn gọi là làng Tó. Vì thế làng này trở thành làng văn khoa nổi tiếng có danh nhân Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nha. Những làng còn lại thì đều ứng nghiệm mỗi dịp cầu đảo.
Mặc dù bị thời gian, thiên tai cũng như chiến tranh tàn phá nhưng miếu Gàn vẫn còn lại là một kiến trúc đẹp và còn giữ lại được một số hiện vật cổ như chiếc nhang án gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hổ phù, tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, rồng ổ, rồng uốn khúc, rồng cuốn thuỷ, vân mây hoa lá thuộc phong cách nghệ thuật thời Lê.
Một trong những di vật có giá trị nhất của miếu Gàn là tấm bia đá có tên “Thanh Bằng thịnh sự bi” dựng năm Cảnh Hưng 1748 chứng minh cho tục thờ phụng và coi học trò thầy Chu Văn An – thư sinh Bảo Ninh Vương là Thủy thần giúp dân chống hạn.
“Từ xa xưa, cha ông chúng tôi đã thờ Thành hoàng Bảo Ninh Vương. Ngài đã có công giúp 7 làng thoát khỏi hạn hán. Theo tục, cứ 5 năm lại một lần mở lễ hội và cùng với các làng đến miếu Gàn dâng lễ, tưởng nhớ công ơn”.
— Ông Lê Văn Chính, Thủ từ đình Đại Từ, xã Đại Kim —
(Còn nữa)
Trần Hòa