Sức khỏe mới

Chuyên gia phân tích về vụ tiêm nhầm văcxin cho 18 trẻ ở Quốc Oai

  • Tác giả : Thúy nga
Đây là lần thứ 2 sự cố tiêm nhầm văcxin diễn ra tại Việt Nam. Việc để chung thuốc, văcxin khác loại với nhau và lấy nhầm là vi phạm về bảo quản. Sự cố này xảy ra trước hết là sự cẩu thả của các cán bộ y tế.
tiem-nham-vx-cg.jpeg

Sự cẩu thả gây tai hại

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố quan trọng của ngành y là cẩn thận vì trực tiếp liên quan đến tính mạng của bệnh nhân. Mỗi một cán bộ y tế cần ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp của bản thân.

Thứ hai, cần thực hiện đúng những yêu cầu kỹ thuật, quy trình đã được quy định. Nếu không làm đúng quy trình tiêm chủng, khâu kiểm tra tốt thì sẽ dẫn đến sai sót nghiêm trọng.

Sự cố này xảy ra trước hết là sự cẩu thả của các y bác sĩ. Họ đã để chung văcxin với nhau và khi thực hiện đã không tuân thủ đủ 5 kiểm tra và 3 đối chiếu trong việc sử dụng thuốc và văcxin.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà phân tích, thực tế loại văcxin 5 trong 1 được chỉ định tiêm cho trẻ và lọ văcxin phòng COVID-19 của hãng Pfizer nhìn tương đối giống nhau: kích thước lọ gần bằng nhau, chữ cũng màu xanh, nắp cũng màu tím... chỉ khác về tên thuốc...Nên nếu để chung và không kiểm tra kỹ trước khi tiêm thì rất dễ nhầm lẫn.

Trao đổi về việc văcxin Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ âm khác với văcxin 5 trong 1, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, trước khi tiêm 24 giờ Pfizer được bảo quản giống như các văcxin khác.

ThS.BS Hà nhấn mạnh, điều quan trọng ở đây là vấn đề giải quyết hậu quả. Theo dõi xem ảnh hưởng của thuốc tới các cháu như thế nào. Nếu các cháu sức khỏe ổn định, không có biến chứng thì sau 10 ngày có thể cho trẻ về nhà và tiếp tục theo dõi tại nhà.

Đặc biệt, nếu có điều kiện khi các cháu ổn định thì đánh giá kháng thể của trẻ với virus SARS – CoV- 2 như thế nào, trẻ có miễn dịch không... và theo dõi lâu dài đề phòng biến chứng viêm cơ tim ở trẻ.

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, sự cố tiêm nhầm văcxin là rất hy hữu. Trên thế giới đã từng ghi nhận năm 1997 ở Yemen, tiêm nhầm Insuline cho 70 trẻ, sau đó 21 trẻ đã tử vong.

Tại Việt Nam năm 2013 tại Quảng Trị cũng xảy ra sự cố tiêm nhầm vắc xin viêm gan B bằng thuốc gây mê khiến 3 trẻ tử vong là một bài học đau xót cho ngành y.

Tình trạng sức khỏe của trẻ phụ thuộc vào loại thuốc tiêm nhầm có độc hay có ảnh hưởng tới sức khỏe không.

Hiện văcxin COVID-19 chưa có nghiên cứu đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nên không biết ảnh hưởng của thuốc với trẻ như thế nào.

Tuy nhiên, văcxin COVID -19 đã được Việt Nam phê chuẩn chiến dịch tiêm chủng phủ văcxin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi. Nhiều nước trên thế giới đã tiêm cho trẻ từ 3-12 tuổi.

Do hệ thống y tế cơ sở yếu kém

GS.TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành về vi sinh lâm sàng Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phân tích, cái sai thứ nhất ở đây đây là sự tắc trách trong quản lý, trách nhiệm. Về nguyên tắc bảo quản 2 loại văcxin khác nhau phải được để riêng rẽ từng loại và khi tiêm phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

Thứ 2, loại văcxin này ở Việt Nam mới được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 – 18 tuổi và trên thế giới mới cũng chỉ có một số ít nước tiêm cho trẻ nhỏ từ 5 – 11 tuổi. Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào tiêm cho trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi. Vì vậy, là sai về mặt chuyên môn.

GS.TS Phùng Đắc Cam phân tích chưa có nghiên cứu khoa học và thực tiễn nào trên thế giới về vấn đề này nên không thể đưa ra đánh giá ảnh hưởng của văcxin đối với trẻ được. Vì vậy, theo dõi sức khỏe cho trẻ trong vòng 2 tuần, qua giai đoạn có thể có các phản ứng của văcxin mà trẻ ổn định thì có thể về nhà.

Việc để chung văcxin, lấy nhầm, theo GS.TS Phùng Đắc Cam là do hệ thống y tế cơ sở quá yếu, không có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và con người (nhiều xã không có bác sĩ chỉ có y sĩ)...

Thúy nga