Béo phì là tình trạng dư thừa lượng mỡ trong cơ thể. WHO định nghĩa béo phì là “sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức đến mức có thể làm suy giảm sức khỏe”. Đây là kết quả của sự tác động qua lại phức tạp giữa các yếu tố hành vi, kinh tế xã hội, môi trường và di truyền. Thay vì đo lượng mỡ trong cơ thể, người ta dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) để chẩn đoán béo phì. Béo phì là khi chỉ số BMI hoặc tỷ lệ cân nặng trên chiều cao lớn hơn hoặc bằng 30 kg/m2.
Tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1975. Năm 2020, 39 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Với xu hướng này thì dự đoán đến năm 2025 thế giới sẽ có 2,7 tỷ người trưởng thành sẽ thừa cân, hơn 1 tỷ người béo phì và 177 triệu người sẽ cực kỳ béo phì, và năm 2030 sẽ có khoảng 38% người trưởng thành thừa cân và 20% béo phì.
Béo phì có liên quan đến một số bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, đại trực tràng, thực quản, thận, túi mật, tử cung, tụy và ung thư gan. Khoảng 4–8% các ca ung thư là do béo phì, tuy nhiên cơ chế gây ung thư của béo phì rất phức tạp và vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Mối quan hệ sinh học giữa béo phì và ung thư
Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh ác tính, nhất là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, cơ chế gây ra ung thư rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ. Cơ chế hình thành ung thư, di căn và tiến triển của ung thư do béo phì có thể là: thay đổi quá trình chuyển hóa và bài tiết axit béo, tái cấu trúc hỗn hợp ngoại bào, bài tiết các hormone đồng hóa và giới tính, rối loạn điều hòa miễn dịch, viêm mạn tính và loạn khuẩn đường tiêu hóa (hình 1). Cơ chế khác nhau sẽ dẫn đến các bệnh ung thư khác nhau.
Hình 1: Cơ chế tiềm ẩn của rối loạn chức năng mô mỡ khi béo phì với quá trình hình thành, phát triển và tái phát khối u. Sự tích tụ chất béo quá mức dẫn đến rối loạn chức năng mô mỡ, làm tăng sản xuất các cytokine tiền viêm, hormone giới tính và các chất chuyển hóa lipid, cùng với các cytokine hoặc adipokine có nguồn gốc từ tế bào mỡ và tình trạng kháng insulin. Mô mỡ biến đổi gây ra quá trình điều biến chất nền ngoại bào, xơ hóa, rối loạn hệ vi sinh vật, tế bào tiền thân tế bào mỡ, viêm và môi trường vi mô bị thay đổi. |
Béo phì có thể là nguy cơ phát triển ung thư theo 3 cơ chế. Cơ chế đầu tiên là do tăng sản xuất estrogen. Mô mỡ hoạt động như một “cơ quan”, giải phóng các chất trung gian hóa học và enzyme. Cụ thể, sự có mặt của aromatase trong mô mỡ ngoại vi làm tăng tổng hợp estradiol từ androgen. Sản xuất estrogen quá mức này làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng và các bệnh ung thư khác.
Cơ chế thứ hai là do tình trạng tăng insulin máu. Cụ thể là tình trạng béo phì kích thích chức năng tăng trưởng bình thường của insulin, đồng thời kéo dài thời gian tác dụng của yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1). Nồng độ insulin và IGF-1 trong máu cao hơn ở những người béo phì làm tăng khả năng phát triển ung thư đại trực tràng, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung.
Ngoài ra ở người béo phì còn có yếu tố nguy cơ ung thư khác, đó là tình trạng kháng insulin, làm tăng insulin máu, dẫn tới một nguy cơ khác là mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Cơ chế thứ ba là liên quan đến môi trường tiền viêm do tăng tiết adipokine (hormone polypeptide) của mô mỡ, đặc biệt là tăng nồng độ leptin - một chất gây viêm mạnh, tăng sinh và ức chế chết tế bào. Adiponectin là một loại adipokine có khả năng ức chế tăng sinh nhưng lại có nồng độ rất thấp ở những người béo phì. Lượng mỡ quá nhiều dẫn đến phì đại tế bào mỡ và chết tế bào, tiếp đó là tình trạng viêm mãn tính dưới lâm sàng tại mô mỡ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tình trạng viêm mạn tính ở mô mỡ thúc đẩy hình thành ung thư và ung thư tiến triển.
Béo phì cũng làm tăng sản xuất ra các cytokine của quá trình viêm như IL-6, TNFα và protein phản ứng C. Do đó mà tỷ lệ mắc các bệnh viêm mãn tính, bao gồm sỏi mật và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở người béo phì cũng cao hơn. Điều này dẫn tới stress oxy hóa, tổn thương DNA và dễ mắc bệnh lý đường mật, gan và bệnh lý ác tính khác.
Béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách giảm khả năng miễn dịch của khối u và làm thay đổi các đặc tính cơ học của mô bao quanh một khối u đang phát triển. Adipokine, điều biến tế bào miễn dịch và viêm hệ thống, tân sinh mạch máu, thay đổi chuyển hóa, điều biến chất nền ngoại bào và túi ngoại bào như exosom có liên quan đến di căn khối u.
ThS.BS Trần Đức Cảnh tư vấn cho bệnh nhân |
Béo phì và nguy cơ ung thư?
Bằng chứng cho thấy tăng cân ở tuổi trưởng thành có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư vú sau mãn kinh, ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, thận và nguy cơ cao ung thư tuyến tiền liệt. Lượng mỡ trong cơ thể tăng lên có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng, thực quản, dạ dày, tuyến tụy, thận, đại trực tràng, nội mạc tử cung và các bệnh ung thư khác
Báo cáo năm 2020 của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế đã chứng minh béo phì là yếu tố nguy cơ của 13 loại ung thư khác nhau: ung thư vú sau mãn kinh, đại trực tràng, lạc nội mạc tử cung, thực quản, tụy, thận, gan, dạ dày, túi mật, buồng trứng, tuyến giáp, đa u tủy và u màng não.
Có bằng chứng về mối liên quan ở mức độ trung bình giữa béo phì và ung thư miệng, hầu họng và thanh quản, tuyến tiền liệt và vú ở nam giới, cũng như ung thư tế bào lympho B lớn lan tỏa. Mối liên quan ở mức độ cao là với ba trong số những loại ung thư khó điều trị nhất (gồm tuyến tụy, thực quản và túi mật); và với hai loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
ThS.BS Trần Đức Cảnh (Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, bệnh viện K Trung ương)