Y học và đời sống

Chuyên gia chỉ rõ các dấu hiệu bất thường khi mang thai mẹ bầu cần biết

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đầy đủ với bà bầu. Việc nhận biết những dấu hiệu bất thường khi mang thai vô cùng quan trọng để có sự can thiệp chủ động hoặc những biện pháp nhằm giảm thiểu sự nguy hiểm tới mẹ và thai nhi.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trao đổi trên Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa Khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết các dấu hiệu bất thường bao gồm:

Phù

Nếu thấy phù ở toàn thân, mặt, mí mắt, tay hoặc kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến ngay bệnh viện. Đó chính là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.

Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt

Đau đầu, nhìn mờ, xuất hiện buồn nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn sẽ là sản giật (co giật toàn thân). Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng của mẹ và thai nhi.

Ra nước ở âm đạo

Nếu ra nước ở âm đạo trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, bạn có thể đang bị rỉ ối.

Một số đặc điểm nhận biết rò nước ối: Dịch chảy ra có màu trắng trong hoặc có chất nhầy, máu; nước ối không có mùi; rò nước ối thường sẽ thấm ướt quần lót.

Sốt cao trên 38,5 độ C

Sốt trong thai kỳ có thể từ nhiều nguyên nhân và kèm theo phát ban dưới da. Nếu sốt kèm theo ra nước âm đạo trên 6 giờ, chúng có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể từ nhiễm một số loại virus như cúm, rubella, zika… Mắc các loại virus này có thể gây dị tật ở bào thai nếu bị bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ.

Đau bụng

Trong thai kỳ, bạn thấy mình đau bụng từng cơn, tăng dần có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, dọa sẩy thai, sinh non.

Ra máu âm đạo

Ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng thai bệnh lý như: Thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu, sẩy thai, rau tiền đạo, rau bong non…

Không thấy thai máy/cử động thai

Nếu người mẹ để ý mà không cảm thấy bất kỳ chuyển động nào của bé, bạn nên uống một ly nước trái cây (loại đường tự nhiên có thể thúc đẩy em bé chuyển động), sau đó nằm nghiêng bên trái trong căn phòng yên tĩnh khoảng 30 phút. Nếu sau khi thử tiếp lần thứ hai, mẹ vẫn không cảm thấy bất kỳ chuyển động nào, bạn nên nhanh chóng nhập viện.

Thai đạp yếu hoặc không có cử động kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối.

Đi tiểu dắt và đau buốt

Đi tiểu thường xuyên là triệu chứng phổ biến trong quá trình mang thai do thai nhi ngày một lớn và di chuyển xuống dưới chèn ép bàng quang. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị đi tiểu dắt và đau buốt ở bàng quang, niệu đạo, đó là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Việc không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm, ảnh hưởng thận, thậm chí gây ra tình trạng sinh non hoặc trẻ thiếu cân.

Những mốc khám thai quan trọng

Kiểm tra thai kỳ khi thai được khoảng 5 đến 8 tuần

Mốc khám thai đầu tiên là khi thai ở tuần thứ 5 đến thứ 8. Sau khoảng 3 tuần kể từ khi chậm kinh, chị em đã có thể thực hiện khám thai buổi đầu tiên. Buổi khám này chủ yếu thực hiện phương pháp siêu âm để xác định thai đã làm tổ ở tử cung chưa? Vị trí của thai ra sao? Túi thai có đang tiến triển tốt hay không? Vòng sáng xung quanh túi thai ra sao?,… Ngoài ra, lần siêu âm này còn đánh giá tình trạng tử cung, cổ tử cung, phần phụ,… bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong suốt quá trình mang thai.

Kiểm tra thai kỳ lần 2, từ khoảng tuần 11 đến tuần 13

Ở lần kiểm tra thai này, các mẹ vẫn sẽ thực hiện các bước gồm khám tổng quát, kiểm tra các chỉ số sinh tồn và thăm khám cùng bác sĩ Sản khoa. Ngoài ra, các mẹ cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm để đánh giá chi tiết về tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Cũng bắt đầu từ tuần thai này, mẹ có thể thực hiện xét nghiệm Double test sàng lọc dị tật do bất thường nhiễm sắc thể. Xét nghiệm Double test được áp dụng cùng với phương pháp siêu âm đo độ mờ da gáy nhằm sàng lọc nguy cơ mắc hội chứng Down, Edward hoặc Patau. Ngoài ra, các phương pháp kiểm tra thai kỳ cũng giúp phát hiện sớm các bất thường nguy hiểm khác như thai vô sọ, bàng quang lớn, thoát vị rốn,…

Khám, theo dõi thai kỳ lần 3, từ tuần 16 đến tuần thứ 22

Ở mốc tuần thai này, thai nhi hầu như đã phát triển và dần ổn định hình thái bên ngoài. Các cơ quan bên trong đang dần hoàn thiện. Bởi vậy, việc kiểm tra thai kỳ lúc này mang ý nghĩa rất lớn, giúp các mẹ bầu có kế hoạch quản lý thai kỳ tốt hơn trước khi bước vào những tháng cuối của thai kỳ.

Thai phụ sẽ tiến hành kiểm tra thai theo các bước thăm khám cơ bản như cân đo, khám tổng quát, siêu âm, xét nghiệm phân tích nước tiểu,…

Nếu chưa thực hiện xét nghiệm Double test trước đó thì ở tuần thai này, các mẹ có thể thực hiện xét nghiệm Triple test để sàng lọc sớm dị tật phát triển ở thai nhi.

Khám thai định kỳ lần 4, tuần thai 22 đến 28

Đây là mốc tuần thai đặc biệt quan trọng vì ngoài những bước khám cơ bản, các xét nghiệm định kỳ cần thực hiện, các mẹ bầu sẽ được làm nghiệm pháp dung nạp đường uống để kiểm tra nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý dễ phát triển ở các mẹ bầu, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thai kỳ. Bệnh thường không có biểu hiện nhận biết rõ ràng nhưng lại tiềm ẩn nhiều biến chứng thai sản đáng báo động như thai to, nguy cơ tiền sản giật tăng cao, khả năng sinh non, thai lưu, sảy thai, băng huyết,…

Sau khi thực hiện các bước khám thai cần thiết, các mẹ sẽ được tiêm vắc xin uốn ván mũi đầu để đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn nhạy cảm của thai kỳ.

Khám thai mốc tuần 28 đến 32

Ở mốc tuần thai này, thai nhi dễ xuất hiện những bất thường muộn như chậm phát triển, tắc đường ruột, thông liên thất, thông liên nhĩ, nhiễm trùng, các vấn đề về tim thai,… Vì vậy, việc kiểm tra thai kỳ sẽ được tiến hành cẩn thận hơn. Thai phụ thực hiện các bước khám cơ bản, xét nghiệm máu, nước tiểu đầy đủ. Khi siêu âm thai, chị em cũng được bác sĩ đo chiều cao tử cung, đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, nghe tim thai để khảo sát các vấn đề bất thường.

Kiểm tra thai định kỳ tuần từ 32 đến 36

Giai đoạn này, các mẹ cần phải được kiểm tra tình trạng thai để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn. Các vấn đề như tim thai, vị trí thai, tình trạng dây rốn, bánh nhau, cử động thai,… đều được khảo sát kỹ lưỡng.

Bên cạnh các bước khám cơ bản, xét nghiệm phân tích nước tiểu, thai phụ sẽ thực hiện thêm xét nghiệm Non-stress test để đánh giá sức khỏe thai nhi. Xét nghiệm này thường kéo dài trong khoảng 40 phút. Cụ thể, mẹ bầu sẽ được gắn các điện cực kết nối máy Monitor để theo dõi diễn biến của tim thai, so sánh nhịp tim với các cử động của thai để đánh giá tình trạng sức khỏe.

Kiểm tra tình trạng thai từ tuần 36 đến 39

Thời điểm trước quá trình chuyển dạ, sinh nở là thời điểm mà thai phụ cần đặc biệt chú ý đến từng vấn đề, triệu chứng xuất hiện trong thai kỳ. Từ tuần thai thứ 36 trở đi, mỗi tuần các mẹ nên khám, theo dõi thai 1 lần. Những buổi khám này sẽ gồm các bước:

– Khám, kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.

– Siêu âm đánh giá vị trí, ngôi thai, ước lượng cân nặng, khung chậu của mẹ, tiên lượng phương án sinh nở phù hợp.

– Đo Monitor, kiểm tra tình trạng tim thai và độ ổn định của thai.

– Khám, đánh giá tổng quát tình trạng mẹ và bé, tư vấn cho mẹ cách nhận biết rõ các dấu hiệu của cuộc chuyển dạ để nhập viện kịp thời.

Thu Giang (T/H)