Khám phá

Chuyên gia chỉ cách trưng bày đá phong thủy tránh rước họa

Chơi đá phong thủy cũng lắm kỳ công, không phải loại đá nào và đặt ở vị trí nào cũng tạo ra phong thủy tốt đẹp. Theo GS Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đá quý, Vàng và Trang sức Việt, nhìn vào khối đá trưng bày có thể biết ngay trình độ của gia chủ. Không nên chơi đá kiểu “thấy người ta bảo” vì không cẩn thận sẽ rước họa.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/da-phong-thuy-300x201.jpg

Đá nên kết hợp với cây, hoa

GS Phan Trường Thị cho rằng, ngày Tết là ngày bè bạn tập hợp từng nhà, từng góc sân, từng mảnh vườn để tâm tình, chia sẻ, hội tụ, gặp gỡ.

Vấn đề bài trí đá phong thủy thì không chỉ riêng ngày Tết. Nhưng Tết là mùa xuân, có nhiều hoa, cây lá. Chơi đá phong thủy mà kết hợp với cây, với hoa thì sẽ tạo ra một điều rất đẹp. Trong gia đình, việc bố trí sắp xếp các đồ vật trang trí nên kết hợp giữa đá với hoa, cây, sẽ tạo ra một không gian vừa đầm ấm, vừa sang trọng.

Nghệ thuật phong thủy chính là nghệ thuật sắp xếp. Cùng là cái cốc, sắp xếp kiểu này đẹp, nhưng kiểu kia thì không. Vấn đề cốt lõi của phong thủy là sắp xếp như thế nào để dẫn đường gió và đường nước đi như thế nào là phù hợp với con người.

Ví dụ, một ngôi nhà có 3 cái cửa liền nhau thẳng hàng thì sẽ tạo ra gió lùa, gió này rất độc. Nên giữa cửa thứ nhất và thứ 2, giữa cửa thứ 2 và thứ 3 để một tấm đá để dẫn luồng không khí này qua đường khác, tránh gió lùa cho gia chủ, bảo vệ sức khỏe.

Còn về nước (thủy), giả sử như có một cái sân rộng, một cái vườn với dòng nước chảy bên cạnh nhà hoặc dòng nước ngầm dưới đất, hoặc dòng nước lưu thông trong nhà… đều cần phải có yếu tố tác động của con người, dẫn hướng chảy đó như thế nào cho hợp lý để không tạo ra sức khỏe xấu cho con người.

Nghệ thuật trưng bày đá phong thủy mang tính chất dẫn dòng nước, dòng gió để tránh gió độc, tránh dòng nước không thích hợp, mang lại sức khỏe tốt cho con người.

Nhiều khi chỉ một viên đá cũng có thể dẫn dòng gió, nước sang hướng tốt hoặc xấu cho con người. Tuy nhiên, trong phong thủy, yếu tố tâm linh đóng vai trò khá lớn. Nên khó có thể nói quan điểm nào là đúng, quan điểm nào là sai. Mọi quan điểm đều dựa trên những nguyên tắc chung.

Chơi đá phong thủy cũng giống như chơi bonsai, phải có trình độ nhận thức xã hội nhất định. Ví dụ nhìn vào bonsai Nhật Bản, Trung Quốc là người ta nhìn thấy văn hóa dân tộc trong đó.

Cây cảnh Việt Nam chủ yếu là loài cây nhìn thấy rễ, lá đầy đủ, phù hợp với triết lý chỉ có ở Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn”. Trong khi đó bonsai ở Nhật Bản, Trung Quốc chú ý về hình dáng cây hơn là triết lý đạo đức như Việt Nam, “uống nước nhớ nguồn”, có rễ thì có cành tốt.

Chơi đá phong thủy phải biết kết hợp giữa cây và đá, lá, hoa với đá. Đó là những yếu tố thiên nhiên, nếu kết hợp một cách khoa học thì có thể tạo nên những vườn cảnh, những ngôi nhà đẹp.

Tri thức về đá cảnh phong thủy của nhiều người chưa được trang bị đến nơi đến chốn. Người chơi đá cần có kiến thức về nghệ thuật đá, đồng tiền phải đi với tri thức mới tạo ra sự hài hòa. Nhiều khi một vật liệu làm cảnh bằng ngọc có giá hàng trăm triệu đồng nhưng nếu không được đặt đúng cách, đúng chỗ thì nó cũng sẽ phản tác dụng.

Những loại đá nên trưng bày

Những loại đá nên sắp xếp trong căn hộ, khu vườn thì có rất nhiều. Chất liệu đá là yếu tố quan trọng nhất, nói lên cái mức độ nhận thức, mức độ sang trọng, quý phái hoặc bình dân của người dùng. GS Phan Trường Thị ví dụ: Ở vị trí Đàn Xã Tắc (Kim Liên, Hà Nội) người ta trưng bày mấy khối đá đen thui thui, đây là đá đen vứt đầy ở Ninh Bình. Nó không xứng đáng nằm ở một vị trí linh thiêng, lịch sử. Đá tốt hay xấu, có xứng tầm hay không thì phải hiểu về chất đá.

Trong khi Việt Nam có biết bao nhiêu loại đá quý, đá đẹp như ngọc mã não chẳng hạn. Có những khối đá nặng hàng chục tấn chỉ cần đánh bóng lên một chút là thành khối đá rất đẹp thì người ta lại không dùng.

Không có loại đá nào không thể sử dụng trong phong thủy, chỉ có điều cấp của đá là cấp nào. Đá vôi nhưng kết tinh thành màu trắng thì rất quý.

Đá ngọc mã não có đầy đủ màu sắc, trong suốt và rất bền, xứng đáng đặt ở các vị trí trang trọng là loại đá nên dùng trong đá phong thủy. Những loại đá đen là loại bình dân và thấp cấp, không nên dùng. Một số loại đá vôi màu trắng toát mà ở các nước phát triển người ta hay dùng để tạc tượng, cũng là đá phong thủy tốt.

Đá này có nhiều ở vùng Lục Yên (Yên Bái) hay Nghệ An. Những khối đá vôi trắng tinh khiết này hoàn toàn có thể làm vật phong thủy. Đá thạch anh có thành phần gần giống đá mã não, có tính áp điện. Khi sử dụng làm trang sức, đeo đúng vị trí thì nó sẽ tạo ra những tác dụng tốt cho sức khỏe. Đá phỉ thúy là loại đá quý hiếm và đắt giá nhất hiện nay.

GS Phan Trường Thị cho biết, hiện có quan niệm về chơi đá phong thủy như nếu để vật phẩm đó trong gia đình, trong bàn làm việc thì có thể chữa khỏi bệnh, có thể thăng quan tiến chức… thì đó chỉ là quan niệm của từng người, không ai bảo đó là sai hay đúng được.

Ngoài việc bài trí đá trong nhà thế nào để hài hòa với môi trường sống, nếu mỗi ngày đi làm về đều nhìn, ngắm một khối đá đẹp trong nhà, sự thưởng thức đó giống như nhìn một bức tranh đẹp, nâng cao trí tuệ của bản thân. Chơi phong thủy bằng đá, cây là hệ thống làm cho con người hài hòa với môi trường.

GS Phan Trường Thị kể, vừa rồi ông có một khối đá xanh, ông đem đi tạc tượng hình ông Phật. Có một tiến sỹ đến nhà chơi cứ nằng nặc đòi mua lại khối đá đó, ông hỏi vì sao thì vị tiến sỹ kia bảo trong khối đá đó có quặng cromit (loại quặng quý vùng Thanh Hóa).

Quặng đó nằm ở ngay ví trí tim và hai chân ông Phật. Điều đó nói lên rằng muốn chơi đá phong thủy phải có trình độ. Càng có trình độ cao thì việc chọn đá gì, bài trí ra sao càng mang lại những tác dụng tích cực.

Phong Lâm

Từ Khoá