Tư vấn

Chuyên gia chỉ cách mua bình cứu hỏa chữa cháy

  • Tác giả : Hồng Linh
Chưa vào mùa nắng nóng cao điểm nhưng hàng loạt vụ cháy liên tiếp đã xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước gây thiệt hại lớn về người và của khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng.
chon-mua-binh-cuu-hoa.jpg
Người dùng phải nắm rõ công dụng của từng loại bình chữa cháy mới có thể chọn mua sản phẩm phù hợp, đáp ứng được mục đích tối ưu.

Sau mỗi vụ cháy, bình cứu hỏa lại trở thành mặt hàng bán rất chạy trên thị trường, nhưng mua ở đâu đảm bảo chất lượng và sử dụng an toàn không phải ai cũng biết.

Không mua hàng trôi nổi

Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên thị trường có rất nhiều dạng bình chữa cháy: Bình cứu hỏa khí, Bình cứu hỏa bọt, Bình cứu hỏa bột. Bình chữa cháy 1kg dành cho ô tô giá khoảng 150.000đ. Bình chữa cháy CO2 từ 3 - 5kg có giá 300.000 - 500.000đ. Bình chữa cháy bột có giá từ 170.000đ (2kg) - 250.000đ (4kg). Giá các loại bình từ Nhật Bản, Singapore hay xuất xứ châu Âu có giá cao gấp 2 - 5 lần. Tuy nhiên, mỗi loại bình đều có ưu nhược điểm và tính năng riêng nên người dùng phải nắm rõ công dụng của từng sản phẩm mới có thể chọn mua sản phẩm phù hợp, đáp ứng được mục đích tối ưu.

Kỹ sư Hoàng Nhật Hưng, chuyên thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy (Thietbiphongchaychuachay.net) cho biết, tất cả các đám cháy đều từ ngọn lửa nhỏ ban đầu do không có phương tiện dập tắt nên dẫn đến đám lửa lớn bùng phát gây hỏa hoạn, thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, trang bị bình chữa cháy là cần thiết trong mỗi gia đình. Hiện chất lượng của các thiết bị, bình chữa cháy tại Việt Nam được kiểm duyệt chặt chẽ, có dán tem nhãn bởi các cơ quan có thẩm quyền. Để mua bình chữa cháy tốt cần mua tại các cơ sở có uy tín, có chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Khi mua cần kiểm tra vỏ bình còn mới, không bị rò rỉ hay kim loại bị ăn mòn, có tem nhãn kiểm định được cấp bởi Bộ Công an.

Tem kiểm định bình chữa cháy bao gồm các thông tin về cơ quan ban hành, nội dung xác thực đã kiểm định, tên và mã hiệu phương tiện phòng cháy chữa cháy, số kiểm định, ngày kiểm định. Tem có nền màu xanh lam, kích thước nhỏ và được sử dụng để chứng nhận bình chữa cháy chính hãng và đạt đủ các yêu cầu về chữa cháy và tính an toàn trong việc phòng cháy chữa cháy. Bình chữa cháy dạng bột chỉ áp dụng tem kiểm định cho loại bột ABC còn bột BC không áp dụng.

Tem kiểm định bình chữa cháy chỉ áp dụng cho bình chữa cháy mua mới với thời hạn là 12 tháng. Đây cũng là thời gian bảo hành của bình chữa cháy mua mới và sau khi hết thời gian bảo hành phải tiến hành nạp sạc lại. Bình chữa cháy chỉ dán tem kiểm định một lần khi mua mới và sau khi nạp sạc lại sẽ không phải dán tem kiểm định mới nữa.

Thượng tá Nguyễn Quang An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 5, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội cho biết, tùy theo môi trường, địa hình và vật liệu cháy mà sử dụng loại bình cho phù hợp. Hộ gia đình nên chọn bình chữa cháy CO2 loại 3kg hoặc 5kg hoặc bình bột chữa cháy loại 4kg vì những trọng lượng này phù hợp với sức nâng đỡ của các thành viên gia đình khi có sự cố.

Về việc phân biệt các thiết bị có đảm bảo hay không theo Khoản 5 Điều 38, Nghị định 79, các phương tiện phòng cháy chữa cháy sản xuất mới trong nước hoặc nhập khẩu đều phải được kiểm định kỹ lưỡng theo quy định của Bộ Công an. Người dân khi mua các bình chữa cháy phải quan sát tem kiểm định dán trên bình chữa cháy thì đó mới các các phương tiện được kiểm định và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Người dân không nên mua hàng trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chất lượng kém, không được kiểm tra an toàn, gây nguy hiểm khi sử dụng. Không chỉ tìm hiểu kỹ về bình chữa cháy, người dân cần tham gia tập huấn việc sử dụng các thiết bị này để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.

binh-chua-chay.jpg
Người dân khi mua các bình chữa cháy phải quan sát tem kiểm định dán trên bình chữa cháy.

Có kiến thức khi sử dụng

Theo kỹ sư Hoàng Nhật Hưng, bình cứu hỏa cần đặt nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp và có bức xạ nhiệt mạnh. Nhiệt độ cao nhất an toàn cho bình cứu hỏa ở mức 50 độ C. Các gia đình nên ở vị trí ở những nơi để mọi người nhìn thấy, thuận tiện lấy bình khi có sự cố xảy ra, ví dụ như bên ngoài trước cửa phòng, góc râm mát chiếu nghỉ cầu thang bộ giữa các tầng... Không nên đặt bình chữa cháy gần bếp và nơi dễ bắt cháy. Tuy nhiên, bếp là khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn nên có thể đặt bình cứu hỏa ở khu vực an toàn gần bếp, sau cánh cửa bếp để dễ dàng lấy và sử dụng nó khi cần thiết.

Theo các chuyên gia chữa cháy, nếu để bình ở phía bên ngoài hành lang, nơi có ánh nắng cần phải có mái che hoặc hộp đựng bình cứu hỏa chuyên dụng. Khi vận chuyển cần cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh rung lắc mạnh, tiếp xúc với những nơi có nhiệt độ cao có thể gây cháy nổ, mất an toàn. Với các nhà ở cao tầng hoặc nhiều phòng, mỗi tầng, mỗi phòng nên có ít nhất một bình cứu hỏa nhỏ loại 1 - 2kg.

Bình chữa cháy dành cho hộ gia đình thường dùng 2 loại: Bình chữa cháy dạng bột và bình chữa cháy CO2. Bình chữa cháy CO2 dùng để dập tắt các đám cháy từ gas, điện, xăng dầu, khoảng cách dập lửa cách 1,5m, chỉ dùng chữa cháy trong nhà không dùng cho cháy ngoài trời. Do đặc tính khuyến tán vào không khí, CO2 gây ngạt nên cũng không thể dùng bình để chữa cháy trong phòng kín có người ở.

CO2 phun ra có nhiệt độ rất lạnh là -73 độ C, do đó, người sử dụng không được phun trực tiếp vào người khác, hoặc cầm vào loa bình, sẽ bị bỏng lạnh. Khi sử dụng chỉ được cầm vào phần nhựa, cao su trên vòi và loa phun. Người phun phải đứng đầu hướng gió, phun phủ lên bề mặt đám cháy, tránh phun xục xuống chất lỏng dưới đám cháy. Bình chữa cháy loại này sau khi phun khí sẽ bay hết, sẽ không làm ảnh hưởng đến các trang thiết bị về điện, linh kiện điện, điện tử, thức ăn... nên phù hợp an toàn cả khi chữa cháy trong bếp.

Cũng theo kỹ sư Hưng, loại bình bột AB dùng để dập chất rắn và lỏng. Bình ABC dập được ba loại cháy là chất rắn, lỏng, và khí. Loại ABCE có thể chữa cháy cả thiết bị điện. Tuy nhiên, bình bột là khi dập xong đám cháy dễ bùng phát lại nên người dập lửa phải kiểm tra kỹ. Không phun bình bột vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính, vì bột có thành phần muối, sẽ làm hư hại thiết bị.

Định kỳ 1 năm/lần cần bảo dưỡng bình chữa cháy. Đối với bình dạng khí CO2, người dùng có thể tự kiểm tra được bằng cách sử dụng cân. Nếu bình mất đi khoảng 20% trọng lượng cần đưa đi kiểm tra ngay. Bình bột có thể kiểm tra bằng đồng hồ gắn trên bình. Nếu kim chỉ vào vạch đỏ cần phải kiểm tra, vạch xanh là còn tốt. Nếu đồng hồ ở vạch vàng là bình bị tăng áp lực, do để ở nơi có nhiệt độ cao, cần dời bình đến chỗ mát.

binh-cuu-hoa.jpg

Một số địa chỉ mua bình chữa cháy uy tín

1. Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế BAT Việt Nam

Địa chỉ: Số 11 BT5 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Điện thoại: 024.66814114 – 024.66814114 – 0989398114

2. Công ty cổ phần công nghệ an toàn Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 7, tòa nhà 169, Đường Nguyễn Ngọc Vũ, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.37931355 – 024.37834392

3. Công ty TNHH LEVU.VN

Địa chỉ: 530/2C Tô Ngọc Vân, KP.5, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM.

Điện thoại: 0979239423 – 028.34522114

4. Công Ty TNHH Phòng Cháy Chữa Cháy Toàn Cầu

Địa chỉ: A25 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM.

Điện thoại: 0938988345

Hồng Linh