Dữ liệu y khoa

Chuyên gia cảnh báo chăm sóc tóc, móng bằng biotin

  • Tác giả : ThS.BS Lê Minh Châu
Các viên uống bổ sung được quảng bá là tốt cho tóc và móng thường chứa biotin liều cao, ≥ 5mg/ngày, gấp 166 lần so với liều biotin được khuyến nghị, 30μg/ngày.

Khi cần tư vấn về việc dùng biotin, các bệnh nhân thường chỉ có xu hướng hỏi về liều dùng nhiều hơn là về tính cần thiết của việc bổ sung này.

uong-thuoc.jpg
Ngày càng có nhiều người uống biotin, để chăm sóc tóc và móng, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi. Ảnh minh họa

Ngày càng có nhiều người uống biotin, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi. Trong nhóm phụ nữ trên 60 tuổi, có 7,4% người uống biotin với liều từ 1mg/ngày trở lên và 2,3% người uống ít nhất 5mg biotin/ngày.

Biotin là gì?

Biotin (hay còn gọi là vitamin B7, vitamin H, coenzyme R) là một loại vitamin tan trong nước.

Gần đây, biotin được chứng minh có vai trò trong quá trình giao tiếp tế bào và điều hòa quá trình biến đổi tính trạng do môi trường nhưng không làm biến đổi gene.

Liều biotin cần thiết cho cơ thể là bao nhiêu?

Liều biotin khuyến nghị được Ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của Viện Y học (Food and Nutrition Board of the Institute of Medicine) đưa ra chỉ là 30μg/ngày. 

Trong khi lượng biotin (từ nội tạng, trứng, cá, khoai lang, hạnh nhân) mà bữa ăn hằng ngày ở châu Âu cung cấp đã từ 35 - 70μg/ngày.

Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ khuyến nghị phụ nữ có thai và cho con bú bổ sung từ 35 đến 70 μg/ngày.

Mang thai và hút thuốc lá được chứng minh là làm tăng chuyển hóa biotin nhưng việc bổ sung thêm biotin ở những trường hợp này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Khi nào cần bổ sung biotin?

Chỉ những bệnh nhân có tình trạng thiếu hụt biotin (bẩm sinh hay mắc phải) nên bổ sung biotin liều cao, hơn liều tiêu chuẩn 30μg/ngày.

Thiếu hụt biotin bẩm sinh xảy ra theo 2 loại. Loại khởi phát sớm xuất hiện ở bệnh nhân có bất thường trên nhiễm sắc thể thường, gây thiếu hụt biotinase hay rối loạn giảm tổng hợp holocarboxylase bẩm sinh, dẫn đến việc kém hấp thu và tổng hợp biotin, làm giảm biotin thật sự.

Trái lại, bệnh nhân mắc loại khởi phát trễ có nồng độ biotin trong cơ thể bình thường nhưng vì một số các rối loạn chuyển hóa di truyền như phenylpropion niệu hay propion máu, làm tăng nhu cầu biotin, gây thiếu hụt giả.

Thiếu hụt biotin mắc phải thường xuất hiện thứ phát sau các bệnh mạn tính của đường tiêu hóa hay do thói quen ăn uống hằng ngày (ăn lòng trắng trứng sống và nghiện rượu).

Lòng trắng trứng sống chứa avidin, có khả năng gắn kết với biotin, ngăn cản quá trình hấp thu biotin. Avidin sẽ biến tính và không còn khả năng này khi trứng được nấu chín.

Việc uống một số loại thuốc như thuốc chống co giật cũng có thể gây thiếu hụt biotin. Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật ruột, dẫn đến việc giảm hấp thu biotin.

Biểu hiện lâm sàng của tình trạng thiếu hụt biotin?

Dù là thiếu hụt biotin di truyền hay mắc phải, bệnh nhân đều có các biểu hiện như rụng tóc, phát ban dạng chàm, viêm da tiết bã, viêm kết mạc và các triệu chứng về thần kinh khác như trầm cảm, hôn mê, giảm trương lực cơ và co giật.

Có bằng chứng nào ủng hộ việc bổ sung biotin có thể giúp dưỡng tóc và móng?

Khá ít các nghiên cứu chứng minh được việc bổ sung biotin tốt cho tóc và móng. Đến nay, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào khẳng định bổ sung biotin có thể giúp mọc hay dưỡng tóc và móng.

toc-dai.jpg
Khá ít các nghiên cứu chứng minh được việc bổ sung biotin tốt cho tóc và móng. Ảnh minh họa

Theo một số nghiên cứu tổng quan trên các bệnh nhân có vấn đề tóc và móng, các chuyên gia nhận thấy 18 ca dùng biotin để điều trị và tất cả các bệnh nhân này đều có cải thiện trên lâm sàng.

Vì vậy, nghiên cứu kết luận bổ sung biotin rất phổ biến nhưng vẫn còn khá ít các nghiên cứu chứng minh được hiệu quả của biotin.

Bổ sung biotin cho những bệnh nhân có thiếu hụt biotin di truyền, hay mắc phải hay những bệnh nhân có hội chứng móng giòn, tóc chổi rơm có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh vì đúng cơ chế sinh bệnh.

Người bình thường khỏe mạnh chưa đủ bằng chứng để chứng minh biotin có hiệu quả.

Bổ sung biotin có gây hại gì không?

Cho đến nay chưa ghi nhận ca nào ngộ độc khi uống biotin. Chỉ một điều đáng lo ngại là bổ sung biotin có thể làm ảnh hưởng kết quả xét nghiệm máu.

Việc dùng biotin có thể ảnh hưởng xấu đến xét nghiệm miễn dịch có dùng cơ chất là streptavidin hay biotin vì có thể gây sai lệch kết quả.

Có cảnh báo rằng, biotin trong máu có thể làm sai lệch kết quả một số xét nghiệm, gây sai sót trong chẩn đoán và điều trị.

FDA đã được báo về 1 ca dùng liều cao biotin và tử vong vì kết quả troponin trong máu thấp hơn thực tế, làm chẩn đoán sót nhồi máu cơ tim. Điều này có thể liên quan đến việc sử dụng biotin vì biotin được chứng minh là có thể ảnh hưởng kết quả troponin trong máu.

Một trong những loại xét nghiệm mà bác sĩ da liễu hay cho bị ảnh hưởng bởi nồng độ biotin máu là xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Biotin không chỉ ảnh hưởng đến các loại xét nghiệm miễn dịch của chức năng tuyến giáp mà nó còn ảnh hưởng đến vô số các xét nghiệm miễn dịch khác như HIV, xét nghiệm viêm gan, vitamin D và troponin T… gây khó khăn trong việc đọc kết quả.

Vì vậy, trong trường hợp cần thực hiện xét nghiệm miễn dịch, chúng ta nên dừng biotin 1 tuần trước đó.

Nếu muốn bổ sung theo đường uống như dùng viên uống, thực phẩm chức năng, tốt nhất nên kiểm tra với bác sĩ da liễu để có được liều lượng phù hợp nhất cho bản thân.

Bởi nếu dư thừa, không chỉ gây hại cho làn da, tuyên bố của FDA vào năm 2017 còn cho thấy, biotin dư thừa còn khiến đường huyết tụt giảm, ảnh hưởng dạ dày, hô hấp, tim mạch và cả tuyến giáp của người dùng.

ThS.BS Lê Minh Châu (Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)

ThS.BS Lê Minh Châu