Chứng khoán

Chứng khoán: Canh tin dịch bệnh, nội tháo chạy, ngoại bắt đáy

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Lo ngại dịch Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng, nhiều nhà đầu tư nội đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu giảm sâu. Nhưng ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại tích cực mua vào với khối lượng lớn.
Diễn biến phiên giao dịch ngày 3/8.

Diễn biến phiên giao dịch ngày 3/8.

Giảm mạnh nhưng không giảm sốc

Việc bán tháo diễn ra mạnh nhất trong phiên giao dịch ngày 24/7, các chỉ số đồng loạt lao dốc. Thị trường có quãng hồi phục ngắn, nhưng những thông tin không tích cực từ thị trường quốc tế khiến đà giảm nhanh chóng quay lại. Sau khi về mốc 798,39 điểm cuối tháng 7, VN-Index đã phục hồi lại mức trên 810 điểm, đà phục hồi không cao.

Đáng chú ý, các phiên giảm sâu không kéo dài và liên tục. Thậm chí, ngày trong tuần giao dịch cuối tháng 7, VN-Index còn diễn biến “răng cưa” phiên giảm – phiên tăng. Theo giới phân tích, lực cầu nhanh chóng nhập cuộc sôi động đã giúp thị trường hồi phục. Diễn biến này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ cơ hội bắt đáy.

Điểm khác biệt lần này so với đợt bán tháo hồi tháng 3-4/2020, là diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt thoát hàng thì khối ngoại lại liên tiếp mua ròng tích cực. Tính trong tuần cuối cùng của tháng 7, khối ngoại đã mua ròng tới 745 tỷ đồng, sau 5 tuần bán ròng liên tiếp trước đó.

Cũng có thời điểm, chẳng hạn như phiên sáng ngày 24/7, nhà đầu tư chỉ bán tháo. Nhưng phiên chiều, lực bắt đáy mạnh mẽ giúp hấp thụ lượng cổ phiếu bán tháo. Trong phiên này, khối ngoại cũng mua ròng hơn 270 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Phiên giao dịch ngày 27/7 VN-Index giảm tới 43,99 điểm tương ứng 5,31%. Tuy nhiên, lực mua bắt đáy cũng chờ chực, cùng với phiên thứ hai khối ngoại mua ròng mạnh, giúp cho thanh khoản trên HoSE đạt hơn 7.000 tỷ đồng, giúp cho thị trường xuất hiện phiên hồi kĩ thuật vào ngày hôm sau.

Với phiên giảm 22,52 điểm ngày 29/7 tương ứng 2,77%, lực bắt đáy mạnh và sức mua cổ phiếu giá tốt đã khiến cho đà giảm điểm được thu hẹp. Gần như không xảy ra tình trạng bán tháo như phiên ngày 24/7 hoặc một phần của ngày 27/7 vào phiên sáng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, dòng tiền từ khối ngoại có khả năng sẽ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ quý 3/2020. Mỹ và nhiều quốc gia khác đã và đang giảm mạnh lãi suất và bơm mạnh tiền vào nền kinh tế để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường, kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tạo ra dòng vốn giá rẻ tràn ngập trên thị trường, theo đó dòng tiền này sẽ tìm kiếm các tài sản rủi ro, như cổ phiếu... ở các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia bị hạ dự báo tăng trưởng thì riêng Việt Nam vẫn được giữ nguyên dự báo tăng 2,7% trong năm 2020, tăng 7% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất châu Á.

Thống kê trong nửa cuối tháng 7 cho thấy, các quỹ ETF chủ lực trên thị trường như Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF, VFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFin Lead ETF đã hút ròng lượng vốn lên tới 24,1 triệu USD, trong đó lượng vốn đổ vào thị trường Việt Nam là 21,3 triệu USD (gần 500 tỷ đồng). Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chiếm khoảng 70% danh mục VNM ETF. Ước tính quỹ đã mua ròng 6,4 triệu USD cổ phiếu Việt Nam trong hơn nửa tháng qua. FTSE Vietnam ETF cũng hút ròng 2,8 triệu USD trong nửa cuối tháng 7. VFMVN Diamond ETF đã hút ròng 3,2 triệu USD và SSIAM VNFin Lead ETF hút ròng 4,3 triệu USD trong nửa cuối tháng 7.

Áp lực bán có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào, nhà đầu tư cần thận trọng quan sát chờ tín hiệu tiếp theo.

Áp lực bán có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào, nhà đầu tư cần thận trọng quan sát chờ tín hiệu tiếp theo.

Chú ý những cổ phiếu giảm sâu

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, những ngày đầu tháng 8, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng quan sát khiến thị trường mở cửa khá ảm đạm, chỉ số VN-Index tiếp tục giữ đà giảm nhẹ. Mặt khác, dự kiến dịch bệnh vẫn còn gia tăng nên thị trường vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, đà giảm có khả năng sẽ còn tiếp diễn. Trong những phiên đầu tháng 8, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng về thông tin, nên biến động sẽ chịu chi phối từ những diễn biến mới của dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, những ngày tới, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục biến động trong vùng chặn trên bởi ngưỡng kháng cự 810 - 820 điểm và chặn dưới bởi ngưỡng hỗ trợ quanh 780 điểm. Kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2020 đang giảm dần sức ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường. Thị trường sẽ rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin nên biến động của thị trường sẽ chịu sự chi phối chính từ những diễn biến mới của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhịp điều chỉnh VN-Index qua nhanh, thị trường tuy không thể ngược dòng thành công nhưng đã có phiên tăng phiên giảm và thu hẹp đà giảm đáng kể. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực lúc này là tình hình dịch bệnh trong nước đang được Chính phủ quyết liệt ngăn chặn, bên cạnh đó thanh khoản đã được cải thiện.

Giới phân tích nhận định, biến động hiện nay đang tạo ra cơ hội tích lũy dần các cổ phiếu có triển vọng tích cực dựa trên kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm, lực cầu ngắn hạn đã cải thiện tích cực hơn tại các vùng giá thấp. Xu hướng ngắn hạn VN-Index dự báo tiếp tục đi ngang, nhà đầu tư không nên vội mua đuổi ở thời điểm hiện tại.

Khuyến nghị chiến lược giao dịch với các nhà đầu tư là canh bán trong những nhịp VN-Index hồi phục. Thay vì bán tháo, các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tích lũy thêm cổ phiếu trong những nhịp giảm mạnh. Nhịp hồi có thể vẫn tiếp diễn trong các phiên tới. Các nhà đầu tư cần chú ý những cổ phiếu đã giảm sâu, đặc biệt là các mã có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, xu hướng trung hạn nhiều khả năng giảm, áp lực bán có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào, vì vậy nhà đầu tư cần thận trọng quan sát chờ tín hiệu tiếp theo.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng 800 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn còn ở mức cao, cho thấy áp lực giảm vẫn còn lớn và hành động dò đáy vẫn chưa nên thực hiện trong giai đoạn này.

Tuyết Vân