NHÌN THẲNG

Chủ tịch VCCI: Tinh gọn bộ máy để tránh tăng thuế, phí dồn dập

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, một trong những giải pháp hiệu quả để tránh tăng thuế, phí dồn dập là tinh gọn bộ máy.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay (25/5) về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) lưu ý, chính sách tài khoá đã cố gắng cân bằng ngân sách, bán tài sản công, thu từ cổ tức doanh nghiệp Nhà nước,… “Khi các nguồn này dần cạn kiệt, chúng ta lại chuyển sang tăng thu từ thuế. Giải pháp này sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc góp ý, nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên thực hiện tốt hơn thì đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc. Tăng thuế, phí cần phải tính đến sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, những chuyển biến tích cực, thể hiện trên nhiều mặt của kinh tế – xã hội mới chỉ là những thành công bước đầu, chủ yếu nhờ vào các giải pháp ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, có lẽ, Việt Nam là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về cách mạng 4.0, nhưng nếu các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ… không có những thay đổi căn bản thì lấy đâu ra nguồn nhân lực và phát minh, sáng chế để khởi nghiệp, để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc băn khoăn.

Thêm vào đó, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra nghịch lý: Trong khi Bộ Tài chính ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm.

Đặc biệt, ông Lộc chưa an tâm với các kế hoạch cải cách về thể chế cho dù không thể phủ nhận đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính nhiêu khê liên quan đến nộp thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư và kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ điện tử cũng bước đầu được ứng dụng…

Tuy nhiên, theo ông Lộc, những thành quả này vẫn còn rất khiêm tốn so với những thứ cần phải làm. “Những câu chuyện “cười ra nước mắt”, chỉ có ở Việt Nam, như 1 thỏi sô-cô-la “cõng” 13 giấy phép hay chuyện thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi”, ông Lộc nêu thực tế.

Theo Trần Ngọc (VOV.VN)

Từ Khoá