Sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng, “kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường” và các cơ quan đang xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu.
PV Khoa học và Đời sống có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá Giáo dục).
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Xin từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 2 mức
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp, thực hiện theo Nghị quyết 96 là xin từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm?
Chúng ta đã lấy phiếu tín nhiệm lâu nay, mở đầu là Quốc hội, sau đó đến HĐND các cấp. Các cơ quan của Đảng cũng lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Tuy nhiên, người nào có số phiếu tín nhiệm thấp quá 50% sẽ phải đối mặt những hệ lụy pháp lý.
Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, ông Lê Duy Thành có thể xin từ chức. Trường hợp ông Lê Duy Thành không từ chức sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, HĐND tỉnh sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm chỉ còn hai mức: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Nếu ông Thành đạt tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” từ 50% thì có thể tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh; nếu nhận được hơn 50% phiếu “không tín nhiệm”, sẽ bị xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nêu rõ quan điểm, nguyên tắc: “Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ”.
Như vậy, khi không chấp nhận xin từ chức, đến khi bỏ phiếu tín nhiệm 2 mức, cán bộ sẽ không thể xin từ chức được nữa, nếu tín nhiệm thấp sẽ bị cơ quan có thẩm quyền bãi nhiệm chức vụ đó.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hóa Giáo dục).
Có được kiểm tra, xem xét lại?
Ông Lê Duy Thành cho rằng, “kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường” và hiện các cơ quan xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu. Có cơ sở để xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên hay không?
Tôi được biết, bản thân ông Thành bất ngờ và có ý kiến về kết quả tín nhiệm thấp, cho rằng có sự bất thường. Nếu việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm đúng quy trình, số người tham gia bỏ phiếu và ban kiểm phiếu khách quan, minh bạch, dân chủ, công khai, đây là kết quả chính xác.
Nếu còn có băn khoăn hoặc cho rằng có sự nhầm lẫn trong quá trình Ban kiểm phiếu làm việc, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét, cân nhắc kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, Nghị quyết 96 của Quốc hội cũng không có điều nào quy định khi có kiến nghị thì phải xem xét hay bỏ phiếu tín nhiệm lại. Do đó, căn cứ pháp lý cho kiến nghị này rất khó thực hiện.
Trường hợp ông Lê Duy Thành có quá trình công tác đạt nhiều kết quả tốt, có cần xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm?
Phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một kênh để đánh giá cán bộ, còn nhiều kênh khác để đánh giá như bản thân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hàng năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có điều tiếng gì trong cả Đảng, HĐND đều đánh giá tốt thì cần phải cân nhắc.
Thực tế không loại trừ có sự nhầm lẫn trong quá trình kiểm phiếu, có thể phiếu cao lại nhầm sang thấp. Tôi thấy cần phải xem xét, cân nhắc, trước khi có quyết định chính thức, cơ quan có thẩm quyền cũng phải họp lại, xem xét lại. Chắc chắn số phiếu đó vẫn còn lưu trữ chứ không ai hủy phiếu, do đó cần kiểm tra, kiểm phiếu lại.
Nếu kết quả vẫn như vậy, cho thấy đã thực hiện công khai, minh bạch, sẽ thực hiện theo Nghị quyết 96. Nếu kiểm tra lại cho thấy không đúng với công bố ban đầu, phải xem xét lại kết quả cho ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc!
Xin cảm ơn ông Lê Như Tiến về cuộc trao đổi trên!
Phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc sáng 15/12, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, khẳng định: "Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo dân chủ, minh bạch, công tâm, khách quan".
Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc chia tổ thảo luận về các vấn đề liên quan. 28 người được lấy phiếu có báo cáo đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chấp hành Hiến pháp và pháp luật; chỉ ra ưu, khuyết điểm khi thực hiện nhiệm vụ được giao; kiểm điểm và đưa ra hướng khắc phục.
Những lần lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Lê Duy Thành
Ông Lê Duy Thành, 54 tuổi, có trình độ Tiến sĩ Kinh tế. Ông kinh qua nhiều chức vụ tại Vĩnh Phúc như Cục phó Cục Thuế tỉnh, Bí thư Huyện ủy Lập Thạch, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh. Tháng 10/2020, khi đang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông được giới thiệu và bầu là Chủ tịch tỉnh với 100% số phiếu đồng ý (47/47).
Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, ông Lê Duy Thành lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đứng ở tốp giữa, với 33 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 67,3%), 9 tín nhiệm (chiếm 18,3%) và 6 tín nhiệm thấp (chiếm 12,2%).
Đợt lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 13/12 mới đây, ông Lê Duy Thành có 19 phiếu tín nhiệm cao (40,43%); hai phiếu tín nhiệm (4,26%); 25 phiếu tín nhiệm thấp (53,19%).
Vĩnh Phúc tăng trưởng thế nào trong 3 năm ông Lê Duy Thành làm Chủ tịch?
Báo cáo tại kỳ họp 13 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 về tình hình kinh tế - xã hội và các mặt công tác của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành cho biết, Vĩnh Phúc là một trong 30 tỉnh không đạt dự toán thu ngân sách năm. Dù vậy, Vĩnh Phúc là một trong 8 tỉnh có số ngân sách cao nhất, đồng thời cơ cấu thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 80% tổng thu của tỉnh, khẳng định nguồn thu rất ổn định và bền vững.
Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển kinh tế vượt trội, giữ được một vị thế của một tỉnh phát triển. Các chỉ số phản ánh chất lượng điều hành của UBND tỉnh đều nằm trong tốp 10 toàn quốc. Việc thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ là 2,2 tỷ USD.
Năm 2022, báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, GRDP năm 2022 đạt mức tăng khá, tăng 9,54% so với năm trước, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP. Hầu hết chỉ số tăng trưởng của các ngành đều đạt mức cao so với mục tiêu đề ra.
Năm 2021, theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Vĩnh Phúc vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 63,74%, ngành dịch vụ chiếm 28,43%, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 7,83% (so với tỷ trọng tương ứng năm 2020 lần lượt là 61,32% - 30,45% - 8,23%). Môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc tiếp tục được cải thiện khi thu hút được trên 1,025 tỷ USD vốn FDI, tăng 51,29% so với cùng kỳ năm 2020, thu hút được 21,8 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 143,07% so với năm 2020.