Khoa học & Công nghệ

Chống nắng đúng cách trong mùa hè

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Chống nắng không chỉ đơn giản là sử dụng kem chống nắng mà phải dùng đến các biện pháp kết hợp như quần áo chống nắng, cung cấp đủ nước cho da …

Những sai lầm khi dùng kem chống nắng

Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo mỹ phẩm Granpas Parent cho biết, nhiều người tích cực dùng kem chống nắng mọi lúc mọi nơi. Trong ánh sáng mặt trời, yếu tố gây đứt gãy collagen (làm nhăn da) là tia tử ngoại UVA bước sóng dài (340 – 400 nanomet). Hiện nay, trên thế giới mới chỉ xác định được các chỉ số bảo vệ da khỏi UVB (là chỉ số SPF) và UVA bước sóng ngắn (là PA, hoặc hệ Boots của Anh). Như vậy, đối với việc đo đạc khả năng bảo vệ da khỏi UVA bước sóng dài là chưa có.

Một số người mách nhau sử dụng dầu dừa, dầu argan, bơ thực vật… để thể thay thế kem chống nắng. Thực tế, ngành công nghiệp mỹ phẩm không chứng nhận cho bất cứ loại dầu, bơ, mỡ động thực vật nào là có khả năng chống nắng, hay có chỉ số chống nắng (dù thấp). Các loại dầu này chỉ giúp làm dịu, đỡ khô và đỡ cảm giác rát da khi ra đường, chứ hoàn toàn không giúp chống nắng.

Còn ở nhiều người, da vẫn bị đen sạm khi dùng kem chống nắng. Lý do có thể là do thoa quá ít, thời gian lâu không thoa lại, da bị kích ứng với kem chống nắng,sản phẩm được bảo quản sai cách (đặc biệt với các thành phần chống nắng hóa học). Phản ứng hóa học của các thành phần chống nắng xảy ra nhanh hơn ở môi trường có nhiệt độ cao, hoặc khi có ánh sáng xuyên qua sản phẩm. Chính vì thế, nếu kem chống nắng (chứa thành phần chống nắng hóa học) được bảo quản ở nơi nóng (trên 26 độ) thì khả năng chống nắng sụt giảm rất nhanh chóng. Lưu ý không mua kem chống nắng ở những nơi bảo quản không đúng cách; không mua kem chống nắng ở chai trong suốt hoặc trong mờ (tạo điều kiện ánh sáng lọt qua); không mua ở dạng hũ (có bề mặt tiếp xúc với ánh sáng quá lớn); không để kem chống nắng từ mùa này sang mùa khác (phản ứng hóa học xảy ra dần trong sản phẩm). Tốt nhất, một tuýp kem chống nắng hóa học chỉ nên dùng tối đa trong 2 tháng.

Không phụ thuộc vào kem chống nắng

Theo chị Đỗ Anh Thư, chống nắng nên là một trong những chiến lược chăm sóc da, chứ không phải là yếu tố chăm sóc da duy nhất. Với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, nếu vì chống nắng mà phải chọn một sản phẩm gây nhờn dính, thì làn da sẽ rất dễ bít tắc, stress, đổ dầu và lên mụn. Mặt khác, làn da nhờn dính sẽ bám bụi từ môi trường, trong khói bụi cũng có những thành phần đẩy nhanh tốc độ lão hóa da. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng một sản phẩm kem chống nắng gây nhờn dính, thì dù có khả năng chống nắng tốt đến đâu, hãy cân nhắc chống nắng bằng những biện pháp thay thế.

Kem chống nắng không là phương pháp chống nắng hữu hiệu nhất. Đối với các hoạt động thường ngày, bạn thể dùng các biện pháp thay thế như mũ, nón, khẩu trang và ô. Thậm chí, những biện pháp này còn có thể bảo vệ da khỏi UVA bước sóng dài, là điều kem chống nắng không làm được. Quần áo bò có chỉ số chống nắng có thể lên đến 50+. Quần áo và mũ vải thông thường có thể bảo vệ da được 67 đến 86% lượng tia tử ngoại.

Khi lựa chọn chống nắng bằng trang phục, bạn lưu ý các chi tiết như vải được dệt chặt chống nắng tốt hơn vải dệt thưa, vải dày chống nắng tốt hơn vải mỏng, vải tối màu chống nắng tốt hơn vải sáng màu, chất liệu tổng hợp như polyester hoặc rayon chống nắng tốt hơn đồ cotton, chất liệu bóng bẩy như satin chống nắng tốt hơn chất liệu không bóng, quần áo khô chống nắng tốt hơn quần áo ướt

Để kiểm tra khả năng chống nắng của quần áo và mũ, có thể giơ ra ánh sáng: Nếu bạn hoàn toàn không thấy ánh sáng thì khả năng tạm được. Nếu ánh sáng không lọt qua nhưng bạn thấy áo sáng lên thì khả năng chống nắng không tốt lắm. Nếu tia sáng có thể xuyên qua vải và đến mặt bạn thì nó gần như không có giá trị.

Bảo Khánh

Bảo Khánh