Kỳ 1: Người đốt đuốc tìm về quá khứ
Có những lúc bất lực với mơ ước tu bổ, xây dựng đền thờ trang nghiêm thờ vị anh hùng dân tộc, thầy Chúc lại thở dài. Tuổi cao, sức yếu đã đành bắt người ta phải nghỉ ngơi, nhưng nếu nản lòng thì ước mơ cao đẹp kia mãi mãi chỉ là mơ ước hão huyền.
Nhắc lại một thiên tình sử
Thầy giáo Hoàng Đạo Chúc bảo rằng, lịch sử dù đã minh oan cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nhưng những dấu vết về vợ chồng người anh hùng dân tộc dần bị xóa nhòa, có đi chăng nữa cũng chỉ còn lại những huyền thoại lưu truyền qua trang giấy. Chúng ta phải làm một điều gì đấy, tỉ như việc khôi phục lại di tích để có chỗ mà phụng thờ, mà nhắc đến và nhớ lại.
- Dù tuổi đã cao nhưng thầy Chúc vẫn lọ mọ đi tìm kinh phí xây dựng đền thờ vợ chồng Nguyễn Trãi.
Như một cuốn phim quay chậm, thầy Chúc lại nhắc đến thiên tình sử giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ với giai thoại làm thơ ghẹo người đẹp khi bắt gặp cô hàng chiếu xinh đẹp người Hưng Hà:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?/Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?/Đã có chồng chưa, được mấy con?
Cô bán chiếu Nguyễn Thị Lộ gần như chẳng cần nghĩ suy nhiều, đã đáp lại rằng: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/Cớ chi ông hỏi hết hay còn?/Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/Chồng còn chưa có, có chi con!
Tài đối đáp sắc sảo của cô gái trẻ quê mùa đã khiến Nguyễn Trãi mê đắm và cưới cho được về làm thiếp. Và cũng từ đó, ngoài cái nghề dệt chiếu kia họ dệt nên một thiên tình sử diễm lệ và đẫm nước mắt cho hậu thế sau này. Mối tình và cả nỗi đau của họ sau thảm án Lệ Chi Viên đã được nhắc đến nhiều trong cả chính sử và dã sử. Thậm chí còn được thêu dệt thành những huyền thoại để tụng ca và cảm bày nỗi xót thương cho những oan nghiệt mà họ phải gánh trong đời.
Theo chiều dài lịch sử, mối oan ấy rồi cũng được minh xét để cả thiên hạ thấy được lòng trung. Nhưng, có người cũng nói rằng: Giải oan thì cũng đã muộn rồi. Vị đại thần khai quốc cùng vợ con cháu chắt đã phải chết dưới lưỡi đao đố kỵ của những kẻ nịnh hót. Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chẳng có oan khuất, trái khoáy nào có thể vượt qua được nỗi đau Nguyễn Trãi.
Chống gậy đi…xin
Cảm động trước người anh hùng Nguyễn Trãi, thầy Chúc đã quyết tâm làm một việc gì đó có ý nghĩa: “Tôi nghĩ rất nhiều. Đầu tiên phải đến những nơi từng ghi dấu ấn của vợ chồng Nguyễn Trãi, đó có thể là quê hương, là nơi ở, là nơi xảy ra vụ án. Tôi muốn xây dựng ở những nơi ấy đền thờ, tượng đài tưởng niệm. Trước là để dân tộc được ghi ơn, sau là để mọi người được hiểu biết về lịch sử”, thầy Chúc tâm sự.
- Trong suốt hàng chục năm ròng, thầy Chúc đã xây dựng được 3 đền thờ ở ba nơi.
Từ sau năm 1980, thầy Chúc đã đi khắp nơi để tuyên truyền, kêu gọi lòng hảo tâm, cùng nhau góp sức. Thế nhưng, hàng trăm bức thư được gửi đi đều không có hồi âm, hàng ngàn chuyến đi đều không có kết quả.
Bạn bè, con cháu đều khuyên thầy nên từ bỏ ý định tốt đẹp ấy đi, nhưng thầy Chúc vẫn quyết tâm theo đuổi. Thầy bảo rằng: “Vợ chồng Nguyễn Trãi cùng ba họ đã mất mạng dưới lưỡi đao chỉ vì sự ganh ghét của những kẻ xiểm nịnh, thì mình làm sao lại bỏ cuộc khi mới có tí khó khăn ngáng đường”.
Vậy là hàng ngày, trời nắng cũng như mưa không kể tiểu hàn, không kể cả đến đại hàn, người làng Lủ, xã Đại Kim (Hoàng Mai – Hà Nội) vẫn thấy một ông già trên chiếc xe đạp đi khắp nơi xây dựng kế hoạch, trình bày phương án liên quan đến một việc không liên quan đến mình.
Có những ngày, xe đạp hỏng, thầy Chúc lại lọ mọ chống gậy đi xin. Để rồi, vào một ngày đẹp trời, người ta mới thấy thực sự cảm động khi thấy ba đền thờ lớn ở ba địa phương được hoàn thành.
Đầu tiên là đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương (Hoàng Mai – Hà Nội), nơi từng có ngôi nhà của vợ chồng Nguyễn Trãi – nơi mà chính Nguyễn Trãi đã viết trong bài thơ “Thủ vĩ ngâm, rằng: Góc thành Nam, lều một gian/No nước uống, thiếu cơm ăn”.
“Đền thờ ở Khuyến Lương cũng có một tiêu chí riêng. Vừa là nơi thờ tự, tưởng nhớ, đồng thời để khách tham quan biết được vị trí, nơi ở của vợ chồng Nguyễn Trãi ngày xưa. Từ đó, người địa phương vừa tự hào vừa có trách nhiệm bảo vệ. Công trình được hoàn thành vào năm 2004”, thầy Chúc cho hay.
Tại thôn Hải Triều, xã Tân Lễ (Hưng Hà – Thái Bình) đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ được hoàn thành trước niềm xúc động của hàng ngàn người dân. “Nếu như trước kia, người dân còn e ngại bởi những giai thoại ác khẩu thêu dệt về bà Nguyễn Thị Lộ, thì giờ đây người ta đã có thể tự hào về người con gái của quê hương mình”, thầy Chúc tâm sự.
Nổi tiếng nhất, và cũng là đền thờ mà thầy Chúc đã phải cất công nhiều nhất chính là Lệ Chi Viên ở xã Đại Lai (Gia Bình – Bắc Ninh). Ai đã từng về đây, dường như cũng được tận tường hơn về vụ án vườn vải năm 1442. Những đau thương, oan khuất năm nào như hiện về giữa khu vườn rộng. Ở đấy có một tượng đài lạ, gọi là “Giọt lệ đài trang”.
Từng suýt chết
Thầy giáo Hoàng Đạo Chúc kể rằng, trong suốt hàng chục năm ròng lang thang khắp nơi tìm kinh phí xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, nhiều phen thầy tưởng chết nhưng như được ơn trên phù hộ mà tai qua nạn khỏi.
“Việc tu bổ hay xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ chẳng bao giờ là dễ cả. Từ việc xin phép cơ quan chức năng, đến việc lập kế hoạch, tìm kinh phí đều rất mất thời gian. Cũng may là có nhiều người tâm huyết góp công góp sức cho việc xây dựng. Kinh phí tài trợ thì tôi không dám cầm, ai ủng hộ hạng mục nào thì giao dịch trực tiếp với bên thi công”.
— Thầy giáo Hoàng Đạo Chúc—
Biết bao lần ngã xe, ngất lên ngất xuống ở dọc đường do đói lả và mệt cũng không làm thầy Chúc xao động, ngã lòng. Duy có một lần, thầy nghĩ số mình đã tận, sẽ không còn được đeo đuổi ước mơ cao đẹp lần nào nữa.
- Việc dựng tượng bà Nguyễn Thị Lộ là câu chuyện dài, chúng tôi sẽ kể trong bài viết tiếp theo.
“Khi chuẩn bị khánh thành đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở Hưng Hà (Thái Bình) thì tôi bị tiểu ra máu. Khi đang cùng chính quyền địa phương duyệt danh sách khách mời thì tôi phát hiện mình bệnh. Anh bí thư xã sợ quá mới gọi bác sĩ tiêm cho tôi mấy liều cầm máu”, thầy Chúc kể.
Để có thể cứu vãn được tình thế, thầy Chúc nhờ mọi người đưa về Bệnh viện Thanh Nhàn, và trong suốt quãng đường từ Thái Bình về Hà Nội, mấy lần liên tục thầy Chúc lại tiểu ra máu. Mỗi lần như thế, thầy Chúc lại run lên vì sợ.
“Ấy vậy mà khi đến bệnh viện, các bác sĩ lại không tìm ra bệnh. Tôi đã khấn vong linh vợ chồng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, rằng: Hai cụ để cho con sống, cho con được phục vụ hương khói cho người. Thế rồi, một tuần sau tôi được xuất viện dù các bác sĩ chẳng tìm ra bệnh gì. Sau đó, việc khánh thành đền thờ đã diễn ra một cách trang trọng và đầm ấm”, thầy Chúc cho biết.
(Còn nữa)
Trần Hòa