Magiê (Mg) là một trong những khoáng chất cơ bản trong cơ thể. Nó có vai trò sống còn trong hàng trăm các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Trong đó có những giai đoạn chủ chốt của việc tích trữ và sử dụng năng lượng, chuyển hóa đường, béo, đạm và axit nucleic. Ở gian bào, Mg đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền xung động thần kinh và co cơ. Thiếu nó sẽ bị đau đầu, co cứng cơ, rối loạn các hoạt động cơ.
Vì lý do này, từ rất lâu người ta đã dùng Mg chữa chứng đau đầu, an thần, chống các stress. Ngày nay, Mg còn được dùng chống đau bụng kinh, điều hoà kinh nguyệt, chống táo bón...
Đặc biệt, Mg cần thiết cho việc bài tiết hormon tuyến cận giáp và hoạt động của nó trên thận, xương và ruột non. Mg còn tham gia vào các phản ứng chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động sinh học. Sự có mặt của Mg cần thiết cho sự chuyển hóa của Ca, p, Na, K và một số vitamin nhóm B. Vì lẽ này mà Mg giúp cho hệ xương, răng khoẻ mạnh và ngăn không cho canxi lắng đọng thành sỏi thận, sỏi mật, gai cột sống.
Bệnh thiếu hụt Mg có thể xuất hiện do đói ăn kéo dài, nôn kéo dài, chấn thương ngoại khoa, canxi trong khẩu phần ăn quá cao, bệnh tiêu chảy do thức ăn đi qua đường tiêu hóa quá nhanh. Hội chứng của mức Mg trong huyết tương thấp là dễ bị kích thích, căng thẳng thần kinh, co giật, chuột rút, kết quả của tăng kích thích thần kinh, tăng co bóp cơ. Đặc biệt, một trong những hậu quả của thiếu hụt Mg ít được chú ý là tăng canxi trong các mô mềm, tăng tạo sỏi thận. Thiếu Mg còn gây giãn mạch, làm xuất hiện các vết rạn đỏ trên mặt da. Gần đây, việc nghiên cứu và phân tích Mg chính xác hơn cho thấy giảm Mg huyết có thể liên quan đến một số trường hợp đột tử.
Magiê có mặt ở hầu hết các loại thực phẩm. Rau quả là nguồn nhiều Mg nhất cho cơ thể. Khoảng 80% Mg ở hạt ngũ cốc bị mất đi trong xay xát. Những thực phẩm có hàm lượng Mg cao (mg/100g thực phẩm) là: Măng khô 33; cùi nhãn tươi 98; chuối tiêu 45; chuối lá 36; dứa 45,2; hạt dẻ 41,9; rau chân vịt 34,3; rau dền xanh 87,7; rau dền đỏ 60,5; rau cần (lá) 45,4, củ từ 33,1; ngồng cải trắng 36,1; gạo tẻ 63; gạo nếp 45,5; bột mì 51,1; đại mạch 68,3; kê vàng 55,9; kê thường 93,1; ngô vàng 60; ngô trắng 93,4; đậu tương 173; đậu đen 157,3; đậu đỏ 126,7; đậu xanh 147,8; đậu đũa 193,8; đậu hà lan 125,4; khoai lang khô 80,6; nấm đông cô 120; tảo biển 460; cá diếc 31...
Đối tượng cần được bổ sung thêm Mg là: Người nghiện rượu bia; người hoạt động cần nhiều năng lượng (vận động viên, làm việc chân tay nặng); người đang dùng viên ngừa thai chứa estrogen; người bị bệnh tiểu đường týp 2, tăng huyết áp; người lớn tuổi (trong đó có người mãn kinh, bị bệnh tim mạch. Những người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp tim mạch khi dùng thức ăn giàu Mg hay thuốc chứa Mg cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.
ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)