Y học và đời sống

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sau phẫu thuật

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, t

Tăng cường chất đạm, vitamin

Sau phẫu thuật, cơ thể mất máu và kiệt sức, vậy chế độ dinh dưỡng thế nào được gọi là hợp lý? Theo BS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thông thường bữa ăn cần được cân đối các chất bột, đạm, đường, chất béo, rau và trái cây.

Tuy nhiên, với những trường hợp phẫu thuật, chất đạm là quan trọng nhất. Trong thời gian hậu phẫu, cần bổ sung đạm có trong thịt của động vật (như thịt lợn, bò, cá…) để vết thương nhanh chóng hồi phục. Trong thực vật, chất đạm hiện diện trong các loại đậu, đặc biệt là đậu nành.

Lượng đạm cần thiết nên nạp mỗi ngày được tính như sau: Cứ 1kg cân nặng, phải bổ sung 0,6 – 0,8g đạm. Với người cao tuổi và trẻ em, cứ 1kg cân nặng, phải bổ sung 1g chất này. Trong thời gian hậu phẫu, khoáng chất và vitamin cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là kẽm. Chất này giúp hỗ trợ các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Kẽm có nhiều trong nghêu, sò và mầm của các loại đậu.

Bên cạnh đó, nên bổ sung vitamin A và vitamin C. Vitamin A có nhiều trong gan động vật, thịt, cá, trứng, sữa, rau màu đậm, cà rốt, bí đỏ, rau đay, dền, mồng tơi… Vitamin C có nhiều trong rau và các loại trái cây như cam, bưởi, đu đủ, xoài, mãng cầu…

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/dinh-duong-sau-phau-thuat.jpg-mau-300x268.jpg

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Đạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, với những người phẫu thuật gây mê và hồi sức cấp cứu nặng hoặc tùy từng loại bệnh mà có chế độ ăn hợp lý trong từng giai đoạn sau mổ. Trong vòng 8 tiếng sau mổ cơ thể yếu, chỉ nên truyền tĩnh mạch. Sau 8h, trong vòng 1 – 2 ngày đầu cho ăn bằng đường tiêu hóa tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch.

Khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu từ 500Kcal và 30g protein, sau đó cứ 1 – 2 ngày tăng thêm 250 – 500Kcal cho đến khi đạt 2.000Kcal/ngày. Ăn sữa nên pha nước cháo, dùng loại sữa bột đã tách bơ hoặc sữa đậu nành. Người bệnh ăn 4 – 6 bữa, thức ăn mềm, hạn chế thức ăn nhiều xơ, dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh…

Giai đoạn hồi phục cần chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng và protein để tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành. Chất đạm có thể tới 120 – 150g/ngày và năng lượng có thể tới 2.500 – 3.000Kcal/ngày chia làm 5 – 6 bữa hoặc hơn. Dùng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ để cung cấp chất đạm và các loại hoa quả để tăng vitamin C và vitamin nhóm B.

Một số sai lầm thường gặp

Theo PGS.TS Trần Minh Đạo, 1 – 2 ngày sau khi mổ là giai đoạn tăng nhiệt độ cơ thể, liệt cơ do ảnh hưởng của thuốc mê dẫn đến liệt ruột, trướng hơi, bệnh nhân mệt, chuyển hoá mất nhiều nitơ, kali. Trước kia giai đoạn này thườngtruyền tĩnh mạch, ăn uống ít.

Ngày nay, khoa học chứng minh đời sống của tế bào ruột là 24 giờ, nếu không cho ăn đường ruột sớm thì các tế bào này sẽ có thể bị hoại tử và hệ vi khuẩn đường ruột sẽ thẩm lậu qua ruột vào máu. Do vậy, ăn sớm đường ruột sớm sau phẫu thuật 8 tiếng sẽ tốt hơn cho bệnh nhân, an toàn hơn, kinh tế hơn vừa có tác dụng kích hoạt cho hệ thống tiêu hoá sớm trở lại bình thường.

Nhiều người cho rằng không nên ăn thịt gà, đồ nếp, nên tránh ăn các loại trái cây “nóng” màu vàng như xoài, mít… và kiêng hải sản… Quan điểm này xuất phát từ suy luận rằng ăn những thực phẩm trên sẽ mưng mủ, lâu liền, gây ngứa vết thương…

Tuy nhiên, chỉ những người có tiền sử dị ứng, cơ địa sẹo lồi thì cần chú ý tránh một số thực phẩm dễ kích ứng gây dị ứng. Kiêng hải sản, nhất là hải sản không tươi do hải sản dễ gây dị ứng. Kiêng lòng trắng trứng vì khó tiêu chứ không phải gây loang sẹo vết mổ.

Đặc biệt, ăn rau không chỉ giúp bổ sung các loại vitamin mà còn giúp phòng ngừa táo bón, loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể, giúp cơ thể tăng sức đề kháng và vết thương nhanh lành hơn. Tuy nhiên, giai đoạn đầu ăn các loại rau mềm, giàu chất sắt và khoáng như cải bó xôi, củ quả hầm, rau củ cắt nhỏ, súp bí ngô… 1 – 2 ngày sau mổ mới tăng cường ăn các loại rau có nhiều chất xơ.

Đức Vinh