Carbohydrat, thành phần chính của các thức ăn tinh bột, đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. Thời xưa, khi thực phẩm khan hiếm, cơm là nguồn năng lượng chính.
Một người trưởng thành có thể ăn 3-4 bát cơm một bữa nhưng ít bị thừa cân, béo phì hay mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Còn hiện nay, dù con người cố gắng giảm lượng tinh bột nhưng các bệnh rối loạn chuyển hoá vẫn gia tăng.
"Vấn đề ở chỗ mọi người ít vận động, ăn nhiều chất đạm, chất béo, khiến dư thừa mỡ, gây thừa cân, béo phì", bác sĩ Hưng nói.
Nhiều người có thói quen ăn cơm vào ban ngày nhưng lại cắt giảm, thậm chí không ăn tinh bột vào buổi tối vì sợ tăng cân, điều này chưa khoa học. Các bữa ăn tối không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Việc nạp tinh bột vào buổi tối cũng rất có ích với những trường hợp có nguy cơ hạ đường huyết.
Một sai lầm khác là áp dụng low-carb trong thời gian dài để giảm cân. Low-carb là chế độ ăn giới hạn lượng carbohydrate (chất bột, đường) và tăng tỷ lệ protein cũng như chất béo trong khẩu phần. Theo bác sĩ Hưng, chế độ ăn này có thể áp dụng thời gian ngắn, còn nếu kéo dài thì không hợp lý.
"Khi ăn mà không có chút bột đường nào sẽ gây suy nhược cơ thể. Bên cạnh đó, ăn rất nhiều đạm sẽ làm chức năng gan, thận phải làm việc nhiều. Chưa kể, những người thừa cân, béo phì cần bổ sung canxi để dự phòng loãng xương vì khung xương phải gánh một trọng lượng lớn. Ăn nhiều đạm sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, không tốt cho xương", ông Hưng cho hay.
Muốn giảm cân nên áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, nhiều muối, thay vào đó là các món luộc, hấp. Không nên ăn tối muộn. Cần duy trì lối sống lành mạnh, tích cực hoạt động, đặt mục tiêu năng lượng đầu vào ít hơn tổng tiêu hao.