Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám và chụp X-quang phát hiện thấy bệnh nhi bị mắc dị vật hình tròn tại đoạn thực quản cổ.
Khoa Tai Mũi Họng và Đơn nguyên Nội soi đã phối hợp tiến hành nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi. Kết quả đã gắp ra một cục pin cúc đường kính 2cm. Tại vị trí viên pin nằm đã gây ăn mòn, hoại tử, bỏng thực quản.
Kíp bác sỹ tiến hành nội soi gắp dị vật trong thực quản bé D.P.H. |
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận và xử trí thành công một bệnh nhi 6 tuổi đút pin cúc áo vào mũi. Niêm mạc mũi ở vị trí dị vật nằm nhanh chóng bị bỏng, hoại tử cháy đen. Sau khi lấy dị vật, xử lý vùng thương tổn, bệnh nhi đã ổn định và được ra viện.
Theo bác sỹ, dị vật pin cúc áo nếu để trẻ nuốt phải, không được phát hiện kịp thời sẽ bị kiềm hóa dẫn tới bỏng hóa chất kiềm và nhiễm độc hóa chất, gây biến chứng để lại di chứng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Triệu chứng của hóc viên pin thường là rất nghèo nàn hoặc là không có, ở giai đoạn đầu thông thường chỉ là triệu chứng nuốt vướng. Cho tới khi xuất hiện biến chứng, bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng trong số những triệu chứng sau: xuất hiện trạng thái tinh thần bị kích thích như hồi hộp lo lắng, sốt nhẹ, nôn mửa, xuất tiết nước bọt liên tục, đau bụng, đi ngoài phân đen do xuất huyết tiêu hóa. Trong một số trường hợp có thể xuất hiện ban sẩn ngứa ở ngoài da do cơ thể bị dị ứng với các thành phần kim loại nặng có ở viên pin như kẽm, thủy ngân, chì, nickel ... Nếu để quá lâu, bệnh nhân có thể có tình trạng sốc nhiễm độc hoặc sốc mất máu do hoại tử vỡ các mạch máu lớn ở gần thực quản.
Trong trường hợp phát hiện thấy trẻ nuốt phải viên pin, việc đầu tiên cần làm là: đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng gần nhất, nếu có thể cần xác định thời gian hóc, chủng loại, đường kính viên pin để báo cáo với thầy thuốc. Thời gian đến viện càng sớm thì càng ít biến chứng xảy ra, chủng loại pin là pin Lithium và có đường kính trên 20mm sẽ dẫn tới những tổn thương thực quản nặng nề hơn. Do đó, việc xác định kích thước và chủng loại pin cũng như thời gian hóc rất có ý nghĩa trong việc tiên lượng bệnh.
Bác sỹ khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò với các đồ vật xung quanh, đặc biệt là trẻ không ý thức được tác hại, mức độ nguy hiểm của các đồ vật đó khi nhét vào mũi, sặc vào phổi hay nuốt vào đường tiêu hóa. Do đó, các phụ huynh, thầy cô giáo hãy luôn để trẻ trong tầm mắt của mình, luôn cảnh giác không để cho trẻ chơi những đồ chơi tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm, đặc biệt là pin cúc áo… để tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.