Hỏi: Mùa hè tôi thường rất nóng, hay bị đi kiết. Có người khuyên nên uống trà hoa đặc biệt là nấu cháo hoa cúc và mướp đắng để ăn. Xin KH&ĐS hướng dẫn cách làm và công dụng của món ăn này?
Nguyễn Thị PHương (Hà Nội)
BS Khánh Hiển, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Y học hiện đại cho rằng, bệnh kiết lỵ do amip, hoặc các trực khuẩn Shigella gây ra. Theo Đông y, nguyên nhân có thể gây bệnh kiết lỵ là do:
- Ăn uống thất thường, khi no quá khi đói quá, ăn uống các thức ăn, thức uống có chứa nhiều nhiệt khí và thấp khí (Đông y gọi là thấp nhiệt), dễ bị nhiễm khuẩn, làm tích độc ở đường ruột, làm thương tổn hệ tiêu hóa mà sinh ra.
- Thời tiết nhiều khí thử nhiệt (khí nắng nóng gắt), kết hợp với khí ẩm thấp, làm cho tạng phủ bất hòa, tỳ vị thương tổn cũng phát bệnh.
- Thích ăn uống đồ mát lạnh (nước giải khát ướp lạnh, hoa quả ướp lạnh, bia lạnh, kem lạnh, nước đá…), sau khi vào đến dạ dày và đường ruột, các loại này sẽ gây kích thích, khiến cho mạnh máu của dạ dày và đường ruột bị co thắt, dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ.
Để phòng chữa bệnh này, dinh dưỡng học cổ truyền có nhiều món ăn - bài thuốc khác nhau, trong đó có món cháo bạn hỏi. Cách làm: Hoa cúc tươi 30g, khổ qua (mướp đắng) 100g, gạo tẻ 60g, đường phèn 30g, hoa cúc rửa sạch, khổ qua bỏ hạt thái miếng. Lấy gạo tẻ đem ninh thành cháo rồi cho hoa cúc và khổ qua và nấu chín, hòa đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, nhuận phế sinh tân, dùng làm đồ ăn trong những ngày nóng nực, bị đi kiết, phiền khát.