Khoa học & Công nghệ

Chặn nguồn ô nhiễm trị "sát thủ" từ bụi mịn

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, với vấn đề ô nhiễm không khí, không thể đổ lỗi cho thời tiết. Để làm sạch bầu không khí, phải thực hiện nhiều giải pháp như trồng nhiều cây xanh, thu gom rác thải, nhưng quan trọng hơn là kiểm soát tốt khí thải từ các phương tiện giao thông.

Sát thủ từ bụi mịn

Nhiều ngày qua, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở mức ô nhiễm nặng nề, nguy hại cho sức khỏe. Các chỉ số theo hệ thống quan trắc PAMair đo được tại nội và ngoại thành các khu vực như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Ngã Tư Sở hay Trần Quang Khải… có chỉ số AQI dao động từ 150 - 180. Theo PGS.TS Trần Đức Lượng, Khoa Môi trường đô thị, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Hà Nội là một trong những thành phố trên thế giới có nhiều khói bụi, nhất là vào các giờ cao điểm, lưu lượng xe tham gia giao thông đông đúc. Độ ẩm cao, bụi hòa lẫn trong không khí ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, không khí ô nhiễm đang tồn tại loại bụi có kích thước siêu nhỏ, mịn là PM10 và PM2.5.

Bụi mịn PM2.5 là loại bụi “siêu nhỏ” có khả năng len lỏi vào sâu trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vô số các bệnh về đường hô hấp, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, phổi, hen suyễn hay người già và trẻ nhỏ. Không chỉ có vậy, người bình thường khi hít phải loại bụi này trong thời gian dài có thể gây suy giảm chức năng phổi, huyết áp cao, rối loạn chức năng gan, ảnh hướng tới hệ thần kinh và là nguyên nhân khiến tỷ lệ nhập viện và thiệt mạng do ung thư phổi hay bệnh tim tăng.

Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, các loại bụi mịn, siêu nhỏ hầu hết được sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, xe hơi). Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí trông như mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này cũng tương tự như khi thời tiết có độ ẩm cao hoặc sương mù. Độ ẩm tăng lên, không khí ô nhiễm, những hạt bụi siêu mịn sẽ càng dễ dàng vào sâu, đi thẳng vào mô, phế nang phổi và là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý về hô hấp rất nguy hiểm.

Bụi mịn PM2.5 hình thành từ các chất như carbon, sunphua, nito và nhiều hợp chất kim loại nguy hiểm khác lơ lửng trong không khí có khả năng “len lỏi” sâu vào trong phổi. Bụi siêu mịn đi sâu vào túi phổi, chuyển từ hệ tiêu hóa sang hệ tuần hoàn, gây ra các bệnh về tim mạch. Đặc biệt là muội từ khói xe có thể lắng đọng trong túi phổi, là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi.  

Chặn nguồn ô nhiễm

Số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy: Có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Với hơn năm triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông tại Hà Nội thải ra tới 85% lượng khí CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được. Ô nhiễm bụi tại khu vực này được phản ánh thông qua bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi PM10 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn, hoặc bằng 10 mi-crô-mét) và bụi PM2,5 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn, hoặc bằng 2,5 mi-crô-mét)... Theo số liệu quan trắc do Bộ TN&MT thực hiện giai đoạn 2012 - 2016, tại khu vực nội thành của Hà Nội và TPHCM, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05: 2013/BTNMT chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm…

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, thời gian qua Hà Nội đã nhận thức rõ tầm quan trọng và có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện vấn đề liên quan đến môi trường, đến chất lượng như dự kiến đến năm 2020 sẽ đầu tư lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 12 trạm cảm biến và 2 xe quan trắc lưu động. Hay như việc trồng hơn 1.000.000 cây xanh; chú trọng đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng kế hoạch đánh giá phơi nhiễm do ô nhiễm không khí để đưa ra các khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sự phát triển của Hà Nội…

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, các giải pháp này rất cần, nhưng mấu chốt là người dân. Nghĩa là cần phải huy động sự vào cuộc của người dân vào công tác quy hoạch, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường. Người dân không chỉ phản ánh mà phải là chủ thể tích cực nhất, tham gia đồng hành cải thiện môi trường, vì lợi ích của chính bản thân và cộng đồng. Hơn nữa, việc kiểm kê, kiểm soát phát thải cần phải chi tiết, rõ ràng hơn. Chúng ta đã đưa ra các chỉ số AQI hằng ngày, vậy cần phải có thông tin đánh giá các nguồn cơ bản tạo nên chỉ số AQI đó, ví như bao nhiêu phần trăm do phát thải từ giao thông, bao nhiêu phần trăm từ xây dựng… Từ sự định vị đó, gắn trách nhiệm đối với các cấp quản lý nhằm đưa ra chế tài, biện pháp phù hợp để giảm thiểu và ngăn chặn.

“Chỉ mặt” các nhà máy xả thải bừa bãi

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tiếp những ngày qua nhưng chủ yếu là tình trạng xả thải (khói, bụi, hơi, hóa chất…) của các nhà máy trên địa bàn đang rất bừa bãi. Trong các nhà máy có các quạt hút bụi, mùi và đẩy ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì môi trường bên trong các nhà máy luôn đạt tiêu chuẩn nhưng không khí xung quanh, bên ngoài nhà máy lại luôn ô nhiễm. Không chỉ ở Hà Nội, đây là tình trạng chung xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước.

Bất cập lớn ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng là việc quy định tiêu chuẩn chất lượng không khí mà các nhà máy, các khu công nghiệp thải ra. "Người ta chỉ quan tâm đến việc mỗi nhà máy thải ra bao nhiêu m3 khí (nằm trong ngưỡng cho phép) và khi kiểm tra thì chỉ quan trắc cục bộ tại một số điểm, khu vực nhất định chứ không quan tâm đến việc tổng lượng khí mà tất cả nhà máy, các khu công nghiệp thải ra môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng phải thay đổi các tiêu chí về việc xả thải ra môi trường một cách chặt chẽ hơn”, ông Phạm Văn Sơn nói.

Còn theo TS Hoàng Dương Tùng, khi vẫn chưa hạn chế hay cấm triệt để được phương tiện cá nhân thì chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát lượng khí ô nhiễm phát thải từ phương tiện này. Ví dụ, hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát được nguồn khí phát thải từ xe máy. Chúng ta có thực hiện nhưng thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài nên xe quá niên hạn sử dụng, xe không đảm bảo chất lượng về khí thải vẫn tồn tại không kiểm soát…

Chọn và đeo khẩu trang thế nào?

Theo các chuyên gia, các giải pháp ứng phó với ô nhiễm không khí được đưa ra là hạn chế ra đường, sử dụng khẩu trang chuyên dụng, dùng máy lọc không khí… Với khẩu trang, chỉ có loại N95 và N99 là lọc được bụi mịn. Trường hợp không có khẩu trang này thì có thể lồng 2 chiếc khẩu trang y tế vào nhau để đeo sẽ lọc được khoảng 95% bụi. Hiện đã có nhiều loại khẩu trang mới đáp ứng tiêu chuẩn N95 nhưng được chế thêm cái van thở nên mang khá là nhẹ nhàng.

Tô Hội