Dữ liệu y khoa

Chấm dứt hơn 20 năm đau lưng do bị trượt đốt sống thắt lưng

  • Tác giả : Thanh Phúc
Khi còn trẻ, do thường xuyên phải đi gánh nặng, nên bệnh nhân N.T.L (50 tuổi) bị trượt đốt sống, sau đó không điều trị gì. Theo thời gian, phần cột sống bị trượt ngày càng đau tăng lên, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Đó là câu chuyện của bệnh nhân N.T.L (50 tuổi, Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) một nhân viên vệ sinh tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt.

20 năm sống chung với đau đớn

Theo bệnh nhân L, khi còn trẻ, do lao động nặng nhọc thường xuyên phải đi gánh nặng, nên chị bị trượt đốt sống, sau đó không điều trị gì. Theo thời gian, phần cột sống bị trượt ngày càng đau tăng lên, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

“Chân tê, lưng đau. Nhiều lúc đau chỉ muốn chết đi cho rồi. Đêm nào ngủ cũng phải chồng với con đấm cho. Nhưng chị lại không dám phẫu thuật, vì không đủ tin tưởng, không có động lực, lo sợ kết quả sau mổ không biết có tốt không”, chị L chia sẻ.

Sau quá trình thăm khám rất nhiều lần tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt, chị được các bác sĩ chẩn đoán bị trượt đốt sống L4L5 độ 3 gây hẹp ống sống, cần phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ, bệnh nhân vẫn cố gắng chịu đựng, cho đến khi làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt, chị được biết rất nhiều bệnh nhân giống chị đã được phẫu thuật thành công, do vậy chị đã quyết định nhập viện để phẫu thuật.

Đốt sống bệnh nhân sau phẫu thuật.

Đốt sống bệnh nhân sau phẫu thuật.

Hai đốt sống L4L5 bị trượt dính chặt vào nhau, đĩa đệm xẹp hoàn toàn, tủy sống và các rễ thần kinh bị chèn ép

Qua phim chụp Cộng hưởng từ, cho thấy rõ, hình ảnh hai đốt sống của bệnh nhân L bị tổn thương nặng sau thời gian dài mắc bệnh, không can thiệp điều trị: đốt sống L4 bị trượt ra trước đốt sống L5, dính chặt vào nhau, phần đĩa đệm xẹp hoàn toàn, tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép.

“Điều này khiến bác sỹ mổ gặp rất nhiều khó khăn ở công đoạn làm đĩa, nắn trượt, bởi dễ gây những tai biến về thần kinh” , Bác sĩ Lê Văn Long, phó trưởng khoa Ngoại cho biết.

Sau 2 tiếng tập trung, các bác sĩ đã nắn trượt thành công hai đốt sống của bệnh nhân trở về vị trí ban đầu, đồng thời giải phóng phần tủy sống và các rễ thần kinh bị chèn ép cho người bệnh.

Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy được.

Bác sĩ khuyến cáo

Trượt đốt sống là trường hợp bệnh lý về cột sống rất hay gặp trong đời sống hằng ngày. Người bệnh cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, cột sống, để có phương án điều trị sớm, kịp thời.

Bác sĩ Lê Văn Long cho biết, hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị, cái bài tập cho cột sống để điều trị trượt cột sống ở giai đoạn sớm. Không phải trường hợp nào cũng cần phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn nhiều nhất, hạn chế xâm lấn nhất cho người bệnh.

“Phẫu thuật là phương án cuối cùng khi các phương pháp can thiệp nội khoa, phục hồi chức năng ko hiệu quả và khi đã có chỉ định phẫu thuật thì người bệnh nên được phẫu thuật sớm để có thể cải thiện những triệu trứng một cách nhanh nhất và hạn chế những di chứng về sau”, bác sĩ Long cho biết thêm.

Thanh Phúc