Trên hòn đảo Campbell không có người ở tại New Zealand, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cây vân sam sitka. Nó được biết đến là cây cô đơn nhất hành tinh và có thể giúp giải mã về biến đổi khí hậu.
|
Hòn đảo Campbell cách đất liền New Zealand hơn 600 km về phía Nam. Trên hòn đảo không người ở này, cây cô đơn nhất thế giới - cây vân sam sitka (Picea sitchensis) được các nhà khoa học tin rằng có thể giúp giải mã bí ẩn về biến đổi khí hậu. |
|
Cây vân sam sitka trên đảo Campbell cao khoảng 9m, nắm giữ Kỷ lục Guinness Thế giới là cây thân gỗ xa xôi nhất trên Trái đất. Đây cũng là cây thân gỗ duy nhất tại hòn đảo Campbell. Cây vân sam sitka trên đảo Campbell là cây thân gỗ duy nhất trong vòng 222 km xung quanh. "Họ hàng" gần nhất của cây vân sam sitka trên đảo Campbell là cái cây mọc trên quần đảo Auckland. |
|
Theo các nhà nghiên cứu, cây vân sam sitka trên đảo Campbell do Lord Ranfurly - Thống đốc New Zealand, trồng vào đầu những năm 1900. Vì vậy, cây thân gỗ này còn được gọi với cái tên khác là cây Ranfurly. Hiện các nhà nghiên cứu chưa thể xác định tuổi chính xác của cây cô đơn nhất hành tinh. |
|
Tiến sĩ Jocelyn Turnbull là nhà khoa học carbon phóng xạ tại viện nghiên cứu GNS Science đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cây vân sam sitka trên đảo Campbell. Nhà nghiên cứu này cho rằng, việc nghiên cứu cây thân gỗ này có thể là một công cụ hữu ích để tìm hiểu sự hấp thụ CO2 ở Nam Đại Dương. |
|
"Chỉ khoảng 50% lượng CO2 mà con người tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở lại khí quyển trong khi 50% còn lại ngấm vào đất và đại dương. Nam Đại Dương - một trong những bể chứa carbon - nhận khoảng 10% tổng lượng khí thải mà chúng ta tạo ra trong 150 năm qua", Tiến sĩ Turnbull cho hay. |
|
Tiến sĩ Turnbull đã hợp tác với nhóm dự án Thử thách Khoa học Quốc gia Deep South, Nền tảng Khoa học Nam Cực, Viện Nước và Khí quyển Quốc gia NewZealand để giải mã điều gì đang xảy ra với carbon ở Nam Đại Dương. |
|
Nhóm chuyên gia đặt ra 2 câu hỏi lớn cần tìm ra lời giải là: Nếu carbon chìm xuống lấp đầy đại dương thì sự ấm lên toàn cầu có tăng tốc mạnh hay không? Con người có thể khiến những bể chứa này hấp thụ được nhiều carbon hơn và làm giảm sự nóng lên toàn cầu hay không? |
|
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để trả lời 2 câu hỏi trên, lấy mẫu khí quyển là phương pháp tốt nhất để đo nồng độ CO2 và có thể bổ sung bằng các mẫu nước sâu. Tuy nhiên, phương pháp này có một số hạn chế, bao gồm việc không thể thu thập mẫu không khí từ hàng chục năm trước. |
|
"Chúng tôi nảy ra ý tưởng nghiên cứu vòng cây. Khi phát triển, thực vật sẽ lấy CO2 từ không khí thông qua quang hợp và dùng khí đó để phát triển các cấu trúc bên trong. Carbon từ không khí sẽ để lại dấu vết trong những vòng cây", Tiến sĩ Turnbull cho hay. |
|
Những cây thích hợp cho nghiên cứu để giải mã bí ẩn này rất hiếm ở Nam Đại Dương. Cây vân sam sitka trên đảo Campbell là cây xa nhất về phía Nam mà mà nhóm nghiên cứu tìm được và hứa hẹn sẽ cung cấp dữ liệu tốt để giải mã bí ẩn về biến đổi khí hậu. |
Mời độc giả xem video: Ngắm cây duối nghìn năm có dáng “bàn tay phật” ở Ninh Bình.
Tâm Anh (theo Amusingplanet)