Khoa học & Công nghệ

Cầu Trần Hưng Đạo phải tiêu biểu cho diện mạo Thủ đô

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (TP Hà Nội) vừa đưa ra đã gây nhiều tranh luận trong giới kiến trúc cả nước. Đông đảo các kiến trúc sư cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo là công trình kiến trúc quan trọng, tiêu biểu cho diện mạo của Thủ đô cần phải thi tuyển lựa chọn phương án kiến trúc một cách công khai, minh bạch.
cau-tran-hung-dao.jpg

Phản ứng trái chiều gay gắt

Cầu Trần Hưng Đạo nằm trong chủ trương xây dựng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng theo đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 1/9, UBND TP Hà Nội có văn bản số 2880 chấp thuận cho Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, cả 3 phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đề xuất, phương án 3 đã được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn. Qua đó, Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên, chiều dài toàn tuyến dự kiến 5,5km, tổng mức đầu tư 8.938,6 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước góp 50% vốn, nhà đầu tư BOT 50%, thời gian xây dựng đến năm 2025 và thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm.

Tuy nhiên, phương án 3 kiến trúc “cổ điển xứ Đông Dương” khi đưa ra đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng. Đông đảo các KTS đặt câu hỏi: Tại sao cầu Trần Hưng Đạo lại mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương”? Một công trình có tuổi đời tới hàng trăm năm như cầu Trần Hưng Đạo phải phản ánh tư tưởng của thời đại khai sinh ra nó, phải là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ thời đại. Cây cầu thậm chí là một bài giảng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa. Đặt tên cây cầu Trần Hưng Đạo là gắn liền với danh tiếng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như những giá trị rực rỡ của thời đại nhà Trần, minh chứng sự hùng cường của nước Đại Việt. Hà Nội là thành phố của hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thành phố của thời đại mới chứ không phải xứ Đông Dương thủa xưa... Cây cầu phải mang hơi thở thời đại, tài năng của người kiến trúc sư.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, kiến trúc cầu cần Trần Hưng Đạo “không ổn”. Về kỹ thuật, nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng xây gần đây đều có chiều cao khoảng cách 11m so với mặt nước. Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo chỉ 4,75m là rất thấp, rất khó đảm bảo lưu không để tàu, bè qua lại. Về thiết kế lại giả cổ, "chắp vá", “nhái” ý tưởng kiến trúc. Cầu Trần Hưng Đạo có tác động lớn tới kiến trúc cảnh quan trung tâm nội đô lịch sử, vì vậy, cần một thiết kế xứng tầm. Một công trình xứng tầm phải đạt rất nhiều tiêu chí như: kiến trúc, hình thức, thẩm mỹ, công năng, kết cấu… Luật Kiến trúc từ cuối 2019 đã quy định, đối với những công trình có mức độ quan trọng thì sẽ thông qua thi tuyển để lựa chọn nhiều phương án kiến trúc.

KTS Đoàn Tú, Công ty Kiến trúc Tây Hồ cho rằng, mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương" cho cầu Trần Hưng Đạo là khập khiễng, sai câu chuyện văn hóa, lịch sử và thời đại. Nếu cần xây dựng một cây cầu biểu tượng văn hóa thì phải tổ chức một cuộc thi rộng rãi, thậm chí mời chuyên gia quốc tế và triển lãm lấy ý kiến. Cầu Nhật Tân được đánh giá cao vì sau khi có ý kiến của chuyên gia còn có nhiều góp ý tại triển lãm, của nhân dân... để tham khảo.

can-vu-tuan.jpg
Nhiều ý tưởng về cầu Trần Hưng Đạo đã được các KTS và người dân góp ý đưa ra. Ảnh:  Vu Tuan Can

Cần công khai, minh bạch và theo luật

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, đến nay Hà Nội vẫn chưa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Hiện còn đang tranh luận, chưa chốt phương án kiến trúc nên chưa có quy mô đầu tư và các bước tiếp theo. Tức là, UBND TP Hà Nội chỉ mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo... chứ chưa chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo UBND TP Hà Nội, Công ty cổ phần Him Lam có trách nhiệm tổ chức và nghiên cứu lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng các quy định của Luật Đấu thầu theo phương thức đối tác công tư và theo Nghị định 35 ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Ngoài ra, Công ty cổ phần Him Lam phải hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản (ngày 1/9).

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, cầu Trần Hưng Đạo là công trình đặc biệt, nằm trong quy hoạch được duyệt của Chính phủ nên theo Luật Kiến trúc cần phải thi tuyển kiến trúc với nhiều tổ chức tư vấn kiến trúc có uy tín tham gia. Không thể chỉ được phép “tuyển chọn” 1 trong 3 phương án do một đơn vị tư vấn lập ra.

Chuyên gia tư vấn quy hoạch bảo tồn đô thị Trương Quốc Toàn cho biết, các thành phố lớn trên thế giới khi thiết kế các công trình kiến trúc chủ đạo đều hướng đến tính đương đại để công trình đó trở thành đại diện tiêu biểu cho thời đại mà nó được xây dựng. Hầu như chưa có trường hợp nào được đặc cách “chơi đồ cổ”. Ví dụ, cây cầu Oresumd dài 16km băng qua eo biển Sund nối liền Đan Mạch và Thụy Điển được xem như một “kiệt tác kiến trúc” độc đáo do con người tạo dựng. Oresund là sự kết hợp giữa một cầy cầu dây văng và một đường hầm ngầm dưới biển, tạo cảm giác như cây cầu đột ngột biến mất giữa biển khơi, để lại ấn tượng và cảm xúc sâu đậm cho khách du lịch. Rất nhiều người không chọn cách di chuyển dễ dàng và thuận tiện là bay thẳng từ Copenhagen tới Stockholm mà chọn phương án lích kích, mất thời gian, tốn kém chi phí hơn chỉ để được tận mắt trải nghiệm cây cầu Oresumd. Do vậy, Hà Nội cần một phương án cầu Trần Hưng Đạo mang tính “đột phá” thu hút khách du lịch, là biểu tượng du lịch được thế giới nhắc đến như các kiến trúc nổi tiếng: Nhà Hát Opera Sydney, tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do...

antd-cau-tran-hung-dao010.jpeg
Mô hình kiến trúc cổ kính của cầu Trần Hưng Đạo đã được Hội đồng tuyển chọn  (Ảnh: TEDI).
Tuyết Vân