Sức khỏe mới

Cấp cứu đúng giảm thiểu biến chứng tàn tật cho bệnh nhân đột quỵ

  • Tác giả : Khánh Thủy
Đột quỵ là căn bệnh có thể gây tử vong trong vài giờ, nhưng vẫn có khoảng thời gian vàng cấp cứu cho bệnh nhân. Nếu cấp cứu đúng cách trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ, cơ hội sống sót của bệnh nhân cũng cao hơn, giảm thiểu biến chứng tàn tật.
dot-quy.jpg

Bệnh nhân bị đột quỵ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đến viện sớm 1 phút thì hàng triệu noron thần kinh được cứu. Tuy nhiên, trong trường hợp không may có người thân hoặc gặp trường hợp bị đột quỵ, việc sơ cứu không đúng cách không những có thể làm chậm thời gian di chuyển đến viện của bệnh nhân mà còn gây nguy hiểm tính mạng, tăng nguy cơ tử vong.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, PGĐ Viện Điều trị người bệnh COVID, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết những việc nên và cần tránh mà người nhà phải tuân theo.

Đặt bệnh nhân nằm nghiêng

Đưa người thân bị đột quỵ, nghi ngờ đột quỵ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trong lúc chờ cấp cứu đến, cần quan sát bệnh nhân xem như thế nào, xem có bị ngừng tuần hoàn hay không, có mất ý thức, gọi không biết, không thở hay không... Nếu có cần đặt bệnh nhân nằm ngửa, làm động tác ép tim.

Trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nói ú ớ, không bước đi được thì cần cho bệnh nhân nằm trên mặt phẳng an toàn, nghiêng một bên, chân dưới duỗi, chân trên co, 1 tay phía trên đặt gối lại phía má. Đặt nằm nghiêng để nếu bệnh nhân bị nôn sẽ nôn ra ngoài, tránh bị hít lại đường thở gây suy hô hấp, tử vong. Nếu bệnh nhân tỉnh táo có thể để nằm đầu cao 30-45 độ. Đây là việc quan trọng nhất người nhà cần làm.

Không cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp (HA)

Khi người bệnh vừa đột quỵ, người nhà đo HA thấy cao thì nghĩ rằng do tăng HA. Nhưng thực tế không phải vậy. Khi bị đột quỵ, HA thường tăng (phản xạ cơ thể là co mạch ngoại vi, tăng cường nhịp tim để máu lên não nhiều hơn).

Nếu hạ thấp HA xuống bằng thuốc HA (nhỏ dưới lưỡi, uống) là không tốt, có hại hơn là để nguyên HA như vậy. Bởi vì khi đến viện, bác sĩ sẽ có cách điều chỉnh HA theo mong muốn để giữ HA đảm bảo vừa không gây chảy máu nhiều hơn, tắc mạch nhiều hơn lại đảm bảo tưới máu lên não tốt hơn, nuôi dưỡng những vùng thiếu máu...

Không cho bệnh nhân uống thuốc, uống nước

Không được cho vào miệng bệnh nhân bất cứ thuốc gì, kể cả nước uống. Nhiều người hay cho bệnh nhân đột quỵ uống những thuốc nhập từ nước ngoài về và coi là thần dược trong khi có thể không có nguồn gốc rõ ràng. Điều này nguy hiểm vì khi bệnh nhân đột quỵ ở nhà, nếu pha thuốc đổ vào miệng cho uống nhưng bệnh nhân không nuốt được sẽ rơi vào phổi dẫn đến thiếu oxy, ho sặc, áp lực nội sọ... đến bệnh viện cấp cứu có thể không kịp hoặc để lại di chứng nặng nề.

Không dùng biện pháp dân gian để cứu

Không được dùng các biện pháp dân gian như chích máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao... Tất cả những động tác này có thể không có hại ngay lập tức, nhưng làm mất thời gian và không có hiệu quả. Việc này là không nên, không cần thiết vì làm trễ thời gian bệnh nhân được đến viện, hiệu quả giảm sút do đến viện muộn.

Khánh Thủy