Bệnh nhân nữ 15 tuổi, bị biến dạng gù vẹo cột sống rất nặng; cùng với việc rối loạn cấu trúc thân đốt sống, gây xẹp nhiều đốt sống vùng ngực - thắt lưng; rối loạn sụn phát triển ở xương dài khiến chiều cao chưa đạt đến 120cm. Do biến dạng cột sống rất nặng và cứng nên bắt buộc phải phẫu thuật 2 đường: Đường trước cắt bỏ toàn bộ đĩa đệm từ đốt sống ngực số 8 đến 12; đường sau đục xương toàn bộ từ đốt sống ngực số 4 đến đốt sống lưng thứ 1, cố định cột sống và nắn chỉnh bằng hệ thống vít qua cuống. Không ghi nhận tai biến rủi ro nào trong và sau mổ.
Tuy can thiệp được như vậy, nhưng tầm soát vẹo cột sống thực sự rất khó. Để phòng bệnh, nên đưa trẻ đi khám ngay cột sống khi thấy:
- Bất thường về cột sống trong thai kỳ 3 tháng cuối (có thể phát hiện qua siêu âm).
- Trẻ có bất thường trong quá trình sinh nở.
- Gia đình từng có người có biện dạng cột sống.
- Trẻ chậm phát triển các hoạt động từng giai đoạn (3 tháng biết lẫy, 7tháng biết bò, 9 tháng lò dò chạy đi), hoặc đã từng có mà chợt không thực hiện được.
- Trẻ có tiền sử gãy xương từ sớm (thậm chí gãy ngay trong quá trình chuyển dạ).
- Trẻ có bất thường về chiều cao thân mình, tay chân (quá cao hoặc quá thấp).
- Quan sát thấy cột sống gù vẹo từ nhỏ, lưng quá ưỡn, 2 vai mất cân đối, khối bất thường vùng lưng, túm lông phía sau lưng, các nốt màu cafe bất thường trên da...
Trẻ cần được chụp X-quang đánh giá toàn bộ cột sống, mri toàn bộ cột sống để loại trừ các tổn thương nội tuỷ, đôi khi là các xét nghiệm về gen hoặc di truyền...
Tầm soát đơn thuần dựa trên X-quang mỗi 6 hoặc 12 tháng. Nếu phát hiện biến dạng nhanh và nặng thì cần can thiệp sớm, tránh biến chứng về chèn ép tuỷ sống và các cơ quan lân cận cột sống.
BS Trần Trung Kiên (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức)