NHÌN THẲNG

Cánh đồng chuối triệu đô sẽ bị....xóa sổ?

  • Tác giả : Kim Thanh
(khoahocdoisong.vn) - Ông Kim Tae Wha – Giám đốc Công ty Seotra cho biết: “loại chuối của Seotra đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng vì hương vị không ngọt như những chuối thông thường, thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp để phát triển cây chuối”.

Cánh đồng chuối công nghệ cao

Trên mảnh đất hơn 32ha là cánh đồng chuối xanh mướt thuộc hai xã Ngãi Xuyên và Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) do  Công ty TNHH Seotra đầu tư và khai thác từ năm 2010. Với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Seotra đã  đầu tư hơn 1 triệu USD cải tạo đất, đầu tư trồng chuối. Hiện có khoảng 50 công nhân làm việc tại đây, công việc được phân công tùy theo độ tuổi và sức khỏe như làm cỏ, cắt cuống bông chuối, bao buồng chuối khỏi côn trùng, đặt trụ chống đỡ chuối, thu hoạch chuối, sơ chế, dán tem, đóng gói,…với mức thu nhập ổn định.

Khác với nhiều loại cây cho quả khác, chuối “tiêu thụ” khoảng 40% lượng nước trong đất, nên khả năng sinh trưởng và cho quả của chuối phụ thuộc nhiều đến cách tưới tiêu. Do đó, hệ thống tưới tiêu cho cánh đồng chuối được công ty Seotra đầu tư rất bài bản đảm bảo mỗi cây chuối có đủ từ 12 đến 20 lít nước mỗi ngày tùy vào thời tiết, mùa, tình trạng thấm nước của đất, lượng mưa trước đó.

Anh Nguyễn Hữu Thiện (kỹ sư chính của Seotra) cho biết “Chi phí cho hệ thống tưới tầm 15 đến 25 triệu/ha tùy thuộc vào nguồn cung của nước. Công nhân sẽ bật van tưới tự động theo từng lô. Lượng nước tưới ra và thời gian tưới dao động tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của ngày hôm trước và tùy vào độ tuổi của cây. Định kỳ mỗi tháng sẽ xả làm sạch ống dẫn”.

Hàng năm, sản lượng chuối Seotra xuất khẩu đi Hàn Quốc và Trung Quốc khoảng 60 tấn/ha. Theo ông Kim Tae Wha – Giám đốc Công ty Seotra thì “hiện nay loại chuối mà Seotra đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng vì hương vị không ngọt như những chuối thông thường, thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp để phát triển cây chuối, nếu có khả năng mở rộng sản xuất thì Việt Nam sẽ có thêm một thương hiệu chuối xuất khẩu”. Và, đây là mô hình trồng chuối được triển khai dựa trên chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH và CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, cũng như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020.

Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động, ngày 17/8/2016, Công ty Seotra bị UBND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 1690/QĐ-UBND thu hồi diện tích 322.565,7m2 đất đang trồng chuối. Nội dung quyết định của tỉnh Trà Vinh ghi rõ: “chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu trồng chuối phục vụ xuất khẩu và nhà xưởng sơ chế giai đoạn 2011-2012”.

Tỉnh thu hồi đất, nhưng xã...không biết

Ngày 18/8/2017, UBND Xã Lưu Nghiệp Anh có báo cáo rà soát hiện trạng sử dụng đất trên phần diện tích đất 140.790,2m2 trên địa bàn xã này. Nội dung báo cáo ghi “công ty Seotra vẫn tiếp tục trồng chuối và trái thơm (khóm)…”; Ngày 22/8/2017, UBND xã Ngãi Xuyên cũng có báo cáo kết quả tương tự trên phần đất 181.775,5m2 trên địa bàn xã này. Báo cáo này xác nhận “do địa phương không nhận được Quyết định số 1690 và 1691 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc thu hồi và giao diện tích 322.565,7m2 của Công ty Seotra cho Trung tâm phát triển Quỹ đất thuộc Sở TNMT quản lý nên không thể công bố và giao quyết định của UBND tỉnh Trà Vinh đối với Công ty Seotra”.

Ngày 1/2/2018, Công ty Seotra khởi kiện ra Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh đối với quyết định thu hồi đất số 1690/QĐ-UBND. Ngày 12/7/2018, trong Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ (viết tay) của cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xác nhận, xã Lưu Nghiệp Anh có “diện tích 2.720,8m2 hiện trạng thực tế đã trồng chuối, trồng từ khi giao đất tới nay: và “diện tích 126.936,8m2 hiện trạng thực tế đã trồng chuối 100% (chuối đang đợi thu hoạch)”. Còn phần đất trên địa bàn xã Ngãi Xuyên cũng được xác nhận “khoảng 3.000m2 là vườn ươm cây giống; khu vực nhà xưởng và các công trình phụ khoảng 2.500m2; phần còn lại của thửa đất này trồng chuối và khóm.”…

Tới ngày 24/9/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh ra quyết định số 13/2018/QĐST-HC, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính này với lý do "Hết thời hiệu khởi kiện". Ngày 24/01/2019, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM ra quyết định số 41/2019/QĐ-PT “giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chi giải quyết vụ án” “không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Seotra” vì “Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính là 01 năm, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định hành chính”.

Vậy là, trong khi cấp xã xác nhận không công bố vì không nhận được quyết định thu hồi đất, thì các cấp toà án lại bác đơn khởi kiện của doanh nghiệp vì hết thời hiệu.

Trả lời VTV về lý do thu hồi đất, Ông Trần Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh nói: “Không có việc tự nhiên đi thu hồi ở đây, chắc chắn chỗ công ty cam kết có trồng chuối mà không có trồng thì coi như mục đích của dự án là không có triển khai.” Còn trả lời PV Báo Khoa học & Đời sống – Chủ tịch UBND Tỉnh Trà Vinh cho biết sẽ căn cứ xử lý theo quyết định của TAND Cấp cao tại TPHCM.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các cấp toà án lại chỉ căn cứ vào thời gian hiệu lực của các văn bản thu hồi đất, mà không căn cứ vào việc người bị điều chỉnh bởi quyết định đã được cơ quan chức năng - ở đây là UBND xã Lưu Nghiệp Anh - xác nhận là chưa nhận được quyết định ? Và trong quyết định thu hồi ấy, có chút gì gọi là chú ý tới về những gì Công ty Seotra đang làm trên cánh đồng hơn 32ha? 

Theo LS Võ Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TPHCM) thì “Công ty Seotra (pháp nhân Việt Nam) có thể kiện UBND tỉnh Trà Vinh ra tòa án Việt Nam giải quyết và có thể đình chỉ vụ án, nhưng căn cứ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cam kết WTO và các quy định pháp luật quốc tế liên quan đối với nhà đầu tư quốc tế thì các nhà đầu tư Hàn Quốc kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế để giải quyết”.

Kim Thanh