Lợi dụng việc số hóa của nhiều ngân hàng để lừa đảo
Tin vào hình ảnh “giao dịch chuyển khoản thành công” qua màn hình điện thoại, nhiều người không hay biết đó chỉ là chiêu trò của các đối tượng lợi dụng hình thức thanh toán trực tuyến của các ngân hàng hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chị Nam Hà, chủ một tiệm đồ lưu niệm trên đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ: “Một buổi sáng chủ nhật, lợi dụng tiệm đông khách nên có đôi nam nữ bước vào tiệm chọn đồ, lúc thanh toán gần 2 triệu đồng, cả hai nói chuyển khoản, sau một hồi loay hoay họ chìa cho chị xem giao dịch ngân hàng Vietcombank thành công và mình thấy đúng tên người nhận nên bảo khách được rồi. Tuy nhiên, sau khi vào kiểm tra lại tôi không nhận được tiền thì tôi có gọi lại nhưng không liên hệ được với khách hàng”.
Một bài đăng chào mời dùng dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền. |
Tương tự, chị Hà Phương ở Trương Hán Siêu (Bình Chánh, TP HCM) cũng bị một nam thanh niên vào mua hàng, nhưng không còn tiền mặt nên thanh toán tài khoản ngân hàng và đề nghị chuyển số tiền nhiều hơn tiền mua hàng để lấy tiền mặt sử dụng.
Sau đó, đối tượng xin số tài khoản và đưa cho chị Phương xem bill chuyển tiền thành công trên máy điện thoại để chị Phương đưa số tiền 13.000.000 đồng cho đối tượng, nhưng chưa nhận được thông báo chuyển tiền thì đối tượng nói do lỗi mạng và đang có việc gấp phải đi, để lại số điện thoại nếu không nhận được thì liên lạc, sau đó bỏ trốn.
Chú thích: Một bài đăng chào mời dùng dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền, với mục đích được viết là "sống ảo trên mạng, khoe thành tích...".
Nở rộ dịch vụ làm giả bill chuyển tiền
Thời gian qua, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau website có tên "jack***". Chỉ cần nhập thông tin, trang web sẽ trả về kết quả là hình ảnh bill chuyển khoản tinh vị, giống y như thật.
Đáng chú ý, hoạt động cung cấp và mua bán hóa đơn chuyển khoản giả đang được diễn ra một cách công khai, lộ liễu trên mạng xã hội, từ các loại hóa đơn giao dịch tới biến động số dư,... dễ tiếp tay cho hoạt động lừa đảo.
Bên cạnh "jack***", mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện hàng loạt hội nhóm chuyên mua bán và tạo hóa đơn chuyển tiền giả trên mạng xã hội, nhiều hóa đơn chuyển tiền giả từ rất nhiều các ngân hàng khác nhau và được chào bán một cách công khai.
Có thể kể đến nhóm “Fake bill chuyển khoản ngân hàng”, quản lý trang này tuyên bố “bill đẹp, chuẩn ngân hàng 100%”, thu hút tới 6,5 nghìn lượt thích và theo dõi. Với giá tiền từ vài chục nghìn đồng cho một giao dịch, quản lý trang này nói rằng khi làm tại đây sẽ có giá rẻ hơn so với những nơi khác.
Mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện hàng loạt hội nhóm chuyên mua bán và tạo hóa đơn chuyển tiền giả |
Ngoài chiêu trò này, vẫn còn một chiêu khác mà kẻ gian sử dụng, là đặt lệnh chuyển tiền trong tương lai. Đây là tính năng cho phép người dùng chuyển tiền đến số tài khoản nhất định, tại một thời điểm trong tương lai. Nếu nạn nhân không để ý dòng chữ "Lập lệnh thành công" thay vì "Chuyển khoản thành công", họ sẽ bị lừa. Còn kẻ gian sau khi lừa xong sẽ hủy lệnh chuyển tiền trong tương lai, và số tiền sẽ không được chuyển đi.
Cơ quan Công an khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác./.
Trước chiêu trò lừa đảo ngày một tinh vi này, để không mắc bẫy, Luật sư Nguyễn Văn Lập - Đoàn Luật sư TP HCM khuyến cáo:
Trường hợp thanh toán, giao dịch trực tuyến qua internet banking cần chú ý kỹ biên lai chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục các giao dịch khác.
Nhận biết thông qua địa chỉ website ở phía cuối bill chuyển khoản, thông thường tên website lừa đảo sẽ là nhưng tên lạ hoặc chứa các ký tự lạ. Người dùng cần cân nhắc, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện theo yêu cầu của bên kia.
Cần chắc chắn rằng tài khoản của mình đã nhận đủ tiền trước khi thực hiện các giao dịch tiếp theo…
Khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ, cung cấp thông tin.
Đồng thời Luật sư Lập cũng nhấn mạnh hành vi “Fake bill chuyển khoản ngân hàng” có thể bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó,người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Mức phạt cao nhất đối với tội này là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.